Họp kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo “Lịch sử Hà Nội cận đại”
Tham gia buổi họp kiểm tra có ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, đại diện chủ đầu tư, PGS.TS. Vũ Văn Quân, đại diện Ban tư vấn chuyên môn mảng sách Lịch sử, PGS.TS. Trần Viết Nghĩa, đại diện nhóm biên soạn cùng các biên tập viên, nhân viên Nhà xuất bản.
Đề tài “Lịch sử Hà Nội cận đại” được triển khai muộn hơn so với các đề tài khác trong Tủ sách. Bởi chủ đầu tư mong muốn tìm được một chủ biên phù hợp, một chuyên gia giàu kinh nghiệm về lịch sử cận đại. Với nhóm biên soạn do GS.TS. Phạm Hồng Tung đứng đầu, những yêu cầu mà chủ đầu tư đặt ra đã được đáp ứng. Tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho đến nay, các tác giả đề tài đã triển khai được gần một năm. Trong khoảng thời gian đó, nhóm biên soạn đã thực hiện được khá nhiều công việc.
PGS.TS. Trần Viết Nghĩa, đại diện nhóm biên soạn báo cáo tình hình tiến độ thực hiện đề tài.
Thứ nhất là, nhóm đã thu thập được cơ bản đầy đủ các tư liệu. Các nguồn tư liệu thu thập đã được xử lý cẩn thận để đưa vào viết sách. Tư liệu là phần cốt lõi để thực hiện đề tài, là phần căn bản để viết sách. Do đó, công việc biên soạn khá thuận lợi. Tuy nhiên, trong quá trình viết, nhóm sẽ tiếp tục cập nhật và bổ sung thêm tư liệu để nâng cao chất lượng cuốn sách.
Thứ hai là, sau buổi họp nghiệm thu đề cương, trên tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp của hội đồng, chủ biên và nhóm biên soạn đã chỉnh sửa một số nội dung, câu chữ, tên tiêu đề cho phù hợp. Căn cứ vào các chương, mục trong bản đề cương chỉnh sửa, chủ biên đã phân công các thành viên trong nhóm bắt tay vào viết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, căn cứ vào điều kiện thực tế, nhóm sẽ chủ động điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp.
Thứ ba là, việc bắt tay vào viết nội dung của từng chương đang rất khẩn trương. Tuy nhiên các chương mới đang ở dạng bản thảo chưa hoàn chỉnh. Mặc dù vậy, chủ biên và các cộng sự vẫn cố gắng nỗ lực hết mình để bàn giao sản phẩm theo đúng hợp đồng đã được ký kết.
PGS.TS. Vũ Văn Quân - đại diện Ban tư vấn chuyên môn đã rất hoan nghênh và hoàn toàn tin tưởng vào năng lực biên soạn của nhóm tác giả.
Ghi nhận những thành quả mà nhóm biên soạn đạt được, PGS.TS. Vũ Văn Quân - đại diện Ban tư vấn chuyên môn đã rất hoan nghênh và hoàn toàn tin tưởng vào năng lực biên soạn của nhóm tác giả. Bên cạnh đó, đại diện Ban cũng lưu ý chủ biên công trình cần quan tâm nhiều hơn đến nội dung viết về tổ chức, quy hoạch của thành phố Hà Nội với tư cách là một đô thị. Đó là vấn đề khá hay và sẽ được nhiều độc giả quan tâm. Ngoài ra, PGS.TS. Vũ Văn Quân có gợi ý thêm về việc bổ sung phần tài liệu tham khảo. Nhóm biên soạn hoàn toàn có thể khai thác triệt để tư liệu từ chính nguồn của Tủ sách. Trong đó phải kể đến những cuốn sách hết sức có giá trị, đã được xuất bản từ giai đoạn I như: “Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” của GS. Đinh Xuân Lâm; “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873 - 1954)” của TS. Đào Thị Diến… Đến giai đoạn II cũng có không ít các đề tài chứa đựng nguồn tư liệu quý và mới, có liên quan, có thể sử dụng được.
Tại buổi kiểm tra, thay mặt Ban Quản lý Dự án, ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, đã dành nhiều lời khen ngợi cho công trình. Ông nhất trí với ý kiến của PGS.TS. Vũ Văn Quân. Bên cạnh những đóng góp xác đáng của đại diện Ban tư vấn chuyên môn, ông có lưu ý chủ biên khi viết về vấn đề Hà Tây. Đây là vấn đề thách thức không nhỏ cho nhóm biên soạn khi thể hiện. Nhóm biên soạn cần đưa ra cách viết hợp lý để không có độ vênh giữa không gian nông thôn và không gian đô thị và quan trọng hơn cả là để người đọc có thể chấp nhận được. Hơn thế, chủ biên cần có giới thuyết cụ thể về vấn đề này trong Lời nói đầu hoặc Lời giới thiệu cuốn sách.
Ban quản lý Dự án và nhóm tác giả trao đổi, đánh giá kết quả thực hiện đề tài.
Khó khăn duy nhất mà nhóm biên soạn gặp phải là sự gấp gáp về mặt tiến độ thời gian. Đây cũng là khó khăn chung của không ít công trình. Chia sẻ về vấn đề này, chủ đầu tư đồng ý hỗ trợ tiếp kinh phí và một số công việc trong điều kiện có thể, với mong muốn nhóm biên soạn phải tập trung thời gian để đảm bảo tiến độ đặt ra.
Hy vọng rằng, với sự nỗ lực không ngừng từ cả hai phía (cả chủ đầu tư và nhóm biên soạn), công trình “Lịch sử Hà Nội cận đại” sẽ sớm được ra mắt bạn đọc, đóng góp một đề tài có tính học thuật cao vào công cuộc nghiên cứu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội