Hướng tới tái hiện cái nhìn toàn cảnh về nền mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội

Toàn cảnh cuộc họp nghiệm thu đề cương đề tài “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội”
Theo thuyết minh của chủ biên - Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, đề tài “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội” là một công trình nghiên cứu, tổng hợp, phân tích toàn bộ lịch sử mỹ thuật của thủ đô Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử từ thời kỳ đồ đá đến nay, bao gồm cả khu vực mới sáp nhập là tỉnh Hà Tây và 2 huyện Mê Linh, Sóc Sơn. So với các công trình về mỹ thuật Thủ đô đã xuất bản chủ yếu tập trung trong phạm vi của thời kỳ hiện đại thì điểm mới của đề tài là hướng tới bao quát từ thời nguyên thủy đến thế kỷ XIX, trải qua thời hiện đại và đương đại ngày nay.

Họa sỹ Nguyễn Đức Hòa - Chủ biên cuốn sách “Mỹ thuật Thăng Long – Hà Nội”
Về cơ bản, Hội đồng nghiệm thu ủng hộ chủ trương của Ban Quản lý Dự án Nhà xuất bản Hà Nội, khẳng định ý nghĩa và tính cần thiết của đề tài, đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi nhu cầu tìm hiểu về mỹ thuật của những người trong và ngoài ngành đều rất lớn.

Thạc sỹ, họa sỹ Vi Kiến Thành - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề cương đề tài “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội”
Buổi họp nghiệm thu diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận của các thành viên Hội đồng trên tinh thần góp ý khoa học, thiện chí để công trình đạt chất lượng tốt nhất khi ra mắt bạn đọc.
Các ý kiến của PGS.TS. Trần Lâm Biền, TS. Nguyễn Việt, bà Nguyễn Thị Hải Yến tập trung vào phần định hướng. PGS.TS. Trần Lâm Biền đánh giá đây là đề tài hay và nếu thành công sẽ có giá trị, tuy nhiên đây cũng là đề tài lớn và phức tạp, đòi hỏi cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa để đảm bảo được tính khả thi của công trình. Theo ông, trong đề cương chi tiết hiện tại, bố cục các phần mới dừng lại ở việc mô tả “cơ học”, thiếu tính liên kết và chưa thể hiện được bản chất, cốt lõi của vấn đề lịch sử mỹ thuật trong từng thời kỳ; cơ sở tư liệu cũng chưa thật đầy đủ, phong phú… Ông đề xuất nên thu gọn phạm vi của công trình, có thể thiên về hướng giới thiệu, khái quát thì tính khả thi sẽ cao hơn.

PGS.TS. Trần Lâm Biền đề nghị tác giả xem xét lại tên đề tài cho phù hợp

Tiến sỹ Nguyễn Văn Việt góp ý xây dựng đề cương đề tài “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội”
Đồng quan điểm với PGS.TS. Trần Lâm Biền, TS. Nguyễn Việt cũng nhấn mạnh nhóm biên soạn sẽ gặp không ít khó khăn trong tình hình tư liệu khá ít ỏi và thiếu hụt về mỹ thuật thời tiền Thăng Long, chưa kể sự phức tạp về thay đổi địa giới hành chính sẽ ảnh hưởng tới việc sẽ khó có thể phân định một cách rạch ròi các dấu ấn, bản sắc văn hóa của từng vùng miền liên quan đến địa bàn Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử. Theo ông nếu gắn với địa lý hành chính hiện tại thì nên xây dựng công trình theo dạng “Mỹ thuật địa chí”. Đây cũng là băn khoăn của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hải Yến, vì theo bà “mở rộng không gian địa lý đất đai thì được nhưng mở rộng một nền văn hóa đã định hình vĩnh cửu trong tâm linh người Việt cần thận trọng”. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu này, không nên đi vào khai thác mỹ thuật của thủ đô thời tiền sử với không gian văn hóa rộng lớn bao gồm cả Hoà Bình, Vĩnh Phú và vùng Hà Tây cũ, chỉ nên giữ lại những phần ngoại vi Hà Nội như Cổ Loa, thành Đại La và những hiện vật ở Trường Yên thời Đinh.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến góp ý xây dựng đề cương đề tài “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội”

Họa sỹ Phan Ngọc Khuê góp ý xây dựng đề cương đề tài “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội”
Bên cạnh đó, các thành viên của Hội đồng nghiệm thu còn đề xuất nhiều ý kiến tập trung vào những vấn đề chi tiết, cụ thể của đề cương. Theo Họa sĩ Phan Ngọc Khuê, từ 1884 - 2016 là thời kỳ chuyển ảnh hưởng từ mỹ thuật Đông sang Tây nên cần chú ý sự chuyển tiếp hữu cơ của thực tế mỹ thuật. Theo ông việc hệ thống hóa các xu hướng sáng tác mỹ thuật sẽ cho thấy các cơ sở để đánh giá thành tựu mỹ thuật chủ yếu của các giai đoạn trong thời kỳ này. Cũng liên quan đến sự chuyển tiếp của mỹ thuật qua các giai đoạn, bà Hải Yến cho rằng cần nêu bật những biến thiên vô cùng quan trọng trong mỹ thuật Thăng Long như sự biến thiên hình rồng từ thời Lý, Trần sang Lê sơ thế kỷ XV, sự phát triển của điêu khắc đình làng gắn với hiện thực xã hội ở thế kỷ XVII - XVIII… Bên cạnh lưu ý nhóm biên soạn về tiêu đề của các đề mục, NT. Bằng Việt cho rằng cần thống nhất việc trình bày về phong cách nghệ thuật, các bộ sưu tập mỹ thuật của các giai đoạn (nếu có) để đảm bảo tính hệ thống trong cách đánh giá thành tựu mỹ thuật…

Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc NXB Hà Nội đại diện chủ đầu tư phát biểu tại cuộc họp

Ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng phát biểu tại cuộc hợp
Là đại diện Ban Quản lý Dự án, Chủ đầu tư, đồng thời là thành viên của Hội đồng nghiệm thu, ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc NXB Hà Nội và ông Phạm Quốc Tuấn cũng góp thêm nhiều ý kiến thiết thực, hữu ích. Ông Tuấn tán thành hướng đề xuất của PGS.TS. Trần Lâm Biền, nghĩa là sẽ đổi tên của đề tài theo hướng khái quát về mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội, tuy nhiên tên gọi chính thức sẽ đổi sau khi bản thảo công trình được nghiệm thu. Ông cũng cho rằng thời tiền Thăng Long chỉ nên mang tính chất đề dẫn, mở đầu, còn nội dung chính sẽ tập trung từ năm 1010 đến nay, với 4 thời kỳ chính (thời trung đại/phong kiến; thời thuộc Pháp; thời kỳ từ 1945 - 1985 và thời đương đại). Về cách triển khai, theo ý kiến ông Tuấn có thể phối hợp cả theo mạch vấn đề và theo biên niên. Ông đặc biệt lưu ý nhóm biên soạn về tính chính xác, khoa học của các thông tin đưa vào sách.
Thay mặt nhóm biên soạn, Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng nghiệm thu để chỉnh sửa, hoàn thiện đề cương chi tiết trước khi biên soạn bản thảo. Với sự đầu tư công phu, nghiêm túc cả về phần nội dung và hình ảnh, hy vọng công trình sẽ đáp ứng được sự mong đợi của độc giả quan tâm tìm hiểu về mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội.
Hoàng Thị Thùy Linh
Nhà xuất bản Hà Nội