Họp nghiệm thu 03 tập bản thảo của bộ sách:“Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội (10 tập)” gồm: Tư liệu địa bạ huyện Hoài An, Tư liệu địa bạ huyện Đan Phượng, Tư liệu địa bạ huyện Thanh Trì.
Cuộc họp nghiệm thu có sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng thẩm định, nghiệm thu bản thảo - các chuyên gia về sử học, tư liệu đầu ngành, đại diện Ban Quản lý Dự án, chủ biên và đại diện nhóm biên soạn dưới sự chủ trì của chủ tịch hội đồng GS.TSKH. Vũ Minh Giang.
Sau hơn một năm kể từ ngày họp nghiệm thu đề cương, nhóm tác giả đề tài “Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội (10 tập)” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên đã tập trung xử lý khối lượng tư liệu đồ sộ để cho ra đời những trang bản thảo chất lượng nhất. Và hôm nay sau bao nỗ lực của nhóm biên soạn chúng ta có trong tay 03 tập bản thảo gồm: Tư liệu địa bạ huyện Hoài An, Tư liệu địa bạ huyện Đan Phượng, Tư liệu địa bạ huyện Thanh Trì với hơn 3500 trang bản thảo. Trong đó Tư liệu địa bạ huyện Hoài An (dày 825 trang), gồm 4 tổng (Phù Lưu Tế, Phù Lưu Thượng, Thái Đường, Trinh Tiết), 51 xã thôn; Tư liệu địa bạ huyện Đan Phượng (dày 1325 trang), gồm 8 tổng (Dương Liễu, Đan Phượng Thượng, Đắc Sở, Hạ Hiệp, Kim Thìa, Sơn Đồng, Thiên Mạc, Thượng Hiệp); Tư liệu địa bạ huyện Thanh Trì (dày 1383 trang), gồm 12 tổng (Cổ Diển, Hà Liễu, Hoàng Mai, Khương Đình, Nam Phù Liệt, Ninh Xá, Quang Liệt, Thâm Thị, Thanh Trì, Vạn Phúc, Vân La, Vĩnh Hưng Đặng).
Kết cấu các tập bản thảo chia theo 3 phần hợp lý bao gồm: Giới thiệu khái quát về địa bàn nghiên cứu; Bản dịch toàn văn địa bạ; Sách dẫn.
Có thể nói “Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội (10tập)” sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về một địa phương trên nhiều phương diện, tập trung về mặt ruộng đất, kinh tế nông nghiệp, bức tranh nông thôn; đây là những chỉ dẫn cơ bản và cần thiết giúp các nhà nghiên cứu trong việc tiếp cận các nguồn tài liệu; cuốn sách hứa hẹn là cuốn “cẩm nang” cho các nhà quản lý - các nhà làm chính sách địa phương, từ xã, phường, thị trấn đến quận huyện và thành phố.
Ngọc Hòa