Index was outside the bounds of the array. Bức tranh toàn cảnh làng Việt truyền thống dần được khôi phục qua các nguồn tư liệu địa bạ (Tư liệu địa bạ của 3 huyện: Phú Xuyên, Sơn Minh, Thanh Oai)
Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin dự án
Thứ sáu, 02/12/2016 02:04
Bức tranh toàn cảnh làng Việt truyền thống dần được khôi phục qua các nguồn tư liệu địa bạ (Tư liệu địa bạ của 3 huyện: Phú Xuyên, Sơn Minh, Thanh Oai)

 Chiều ngày 30/11, Ban Quản lý Dự án - Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức buổi họp nghiệm thu 03 bản thảo tư liệu địa bạ của 3 huyện: Phú Xuyên, Sơn Minh, Thanh Oai thuộc bộ sách “Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội” gồm 10 tập do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ trì biên soạn.Ba tuyển tập đã được dịch thuật nghiêm cẩn, đảm bảo chất lượng khoa học, được biên soạn tu chỉnh khá công phu. Nội dung các văn bản thật sự có ý nghĩa cho việc nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội nói chung và đặc biệt rất có ích cho việc nghiên cứu về chế độ ruộng đất thời Nguyễn nói riêng.

 Buổi họp nghiệm thu có sự tham gia của các nhà nghiên cứu Hán Nôm nổi tiếng như: PGS.TS. Phạm Thùy Vinh, TS. Nguyễn Ngọc Nhuận; các nhà nghiên cứu sử học đầu ngành như: GS.TSKH. Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng), PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi, PGS.TS. Trần Thị Vinh, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ… cùng đại diện Ban Quản lý Dự án và các biên tập viên Nhà xuất bản.

Bộ sách “Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội” gồm 10 tập ra đời nhằm giới thiệu toàn văn nguồn tư liệu địa bạ cổ Hà Nội, được lập vào năm Gia Long 4 (1805), cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quan về một địa phương trên nhiều phương diện, tập trung chủ yếu về mặt ruộng đất. Ba tập tư liệu địa bạ của 03 huyện Phú Xuyên, Sơn Minh và Thanh Oai thuộc bộ sách được dịch thuật ra tiếng Việt với dung lượng khá đồ sộ: 4.443 trang (Phú Xuyên: 1.530 trang, Sơn Minh: 1.314 trang, Thanh Oai: 1.599 trang), gồm 31 tổng, 255 xã, thôn, trang. Về mặt bố cục, cả 3 tập bản thảo đều có bố cục tương đương nhau, bao gồm các nội dung: Mục lục, Lời nói đầu, Từ vựng Hán Việt trong địa bạ, Vài nét về huyện và nguồn tư liệu và cuối cùng chính yếu nhất là Bản dịch địa bạ. Bản dịch địa bạ được thống nhất trình tự theo văn bản gốc bao gồm các mục: Giáp giới, Bản xã (thôn) công tư điền thổ (công điền, tư điền, thần từ Phật tự điền…), Loại khác (tha ma, thổ phụ…), Ruộng đất nơi khác tại địa phân bản xã, Chức dịch. Việc bám sát văn bản theo mẫu địa bạ dưới triều Nguyễn khiến cho việc trình bày bản thảo vô cùng sáng rõ. Hơn thế, với địa danh tổng, xã, người dịch có chú thêm chữ Hán, chữ Nôm để tránh hiện tượng nhầm lẫn với các địa danh khác (đồng âm). Cách làm này thể hiện sự chuyên nghiệp của các tác giả, thể hiện tính hợp lý và khoa học của văn bản. Đây cũng chính là nhận xét chung của Hội đồng về hình thức và bố cục của ba tập bản thảo.

Vấn đề nổi cộm được các thành viên Hội đồng đưa thảo luận nhiều chính là phần dịch thuật. Mặc dù các bản dịch của 3 huyện đảm bảo khá sát nội dung, sử dụng đúng văn phong của nguồn tư liệu địa bạ. Tuy nhiên, đôi chỗ dịch vẫn chưa hoàn toàn đạt, đọc chưa thuận và chưa thực sự Việt hóa. Cụ thể như: việc dùng thuật ngữ “y xứ” và “xứ ấy” thiếu thống nhất; dịch chưa tới các từ “đối ngạn” (đối diện bờ bên kia), “cùng cư”…; thiếu thống nhất khi sử dụng thuật ngữ “phân canh” (phân chia vùng canh tác) và “phụ canh”; sử dụng các từ cụt, không rõ nghĩa (giới là làm giới hay ranh giới?)... Một số chỗ còn thiếu chữ Hán, chữ Nôm, dùng mã chữ chưa chuẩn. Dưới con mắt của các nhà nghiên cứu Hán Nôm dầy dặn kinh nghiệm, những lỗi dịch dù nhỏ cũng đã được chỉ ra. Việc dịch vừa bám sát văn bản gốc, truyền tải đầy đủ nội dung vừa khiến cho người đọc dễ hiểu, dễ nhớ là không hề đơn giản. Tuy nhiên công việc đó càng chuẩn, càng thống nhất bao nhiêu thì sự thành công của nó càng được nhân lên bấy nhiêu. Chính bởi sự kỳ vọng đó mà Hội đồng đã dành khá nhiều tâm huyết cho vấn đề này.

Bên cạnh đó việc chú thích địa danh mới so với địa danh cũ cũng được Hội đồng lưu tâm. Trong các tập mà nhóm biên soạn đã thực hiện trước (tư liệu địa bạ của 3 huyện: Thanh Trì, Hoài An, Đan Phượng) có những tập đã khá làm tốt việc này. Đến những tập này (tư liệu địa bạ 3 huyện Sơn Minh, Phú Xuyên, Thanh Oai) thì lại có huyện chưa làm được. Việc chú thích địa danh hiện nay là hết sức cần thiết để người đọc có thể đối chiếu các thông tin tư liệu, đặc biệt là thông tin về địa giới xưa và nay. Công việc này rất khó, vấp phải những thách thức về vấn đề diên cách, đòi hỏi khá nhiều công sức của nhóm biên soạn. Tuy nhiên, các tác giả vẫn phải cố gắng làm để các tập bản thảo được hoàn thiện nhất có thể.

Ngoài những vấn đề trên, Hội đồng nghiệm thu còn đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho những mục khác, như cần chú giải thêm một số từ trong phần từ vựng Hán - Việt (công châu thổ, tha ma…); xem lại những sai lệch về mặt số liệu về Công tư điền thổ (số công điền và tư điền); ghi thiếu tên Chức dịch ở một vài xã… và một số lỗi kỹ thuật. Các ý kiến đều được chủ biên và nhóm biên soạn tiếp thu triệt để.

Địa bạ là một loại tư liệu khá đặc biệt, tuy khô cứng nhưng lại rất hay, rất hữu dụng đối với người nghiên cứu. Từ nguồn tư liệu địa bạ người nghiên cứu có thể có được khá nhiều thông tin và số liệu quý báu của các đơn vị hành chính cơ sở trước đây. Số liệu về tổng diện tích cho biết quy mô làng xã. Số liệu về công điền công thổ, tư điền tư thổ cho biết mức độ quá trình tư hữu hóa. Số liệu về ruộng đất tư với từng chủ sở hữu cho biết mức độ phân hóa và tập trung ruộng đất. Số liệu thần từ Phật tự cho thấy tình hình tín ngưỡng - tôn giáo ở thời điểm đó… Nó giá trị ở chỗ người đọc có thể tra cứu nguồn gốc, đối chiếu, so sánh, am tường quá khứ để vận dụng cho hiện tại và tương lai. Bởi vậy, sự chuẩn xác, tôn trọng khách quan của việc biên soạn địa bạ là vô cùng cần thiết. Chính GS.TSKH. Vũ Minh Giang - chủ tịch Hội đồng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề này, đồng thời đánh giá cao công sức làm việc của tập thể biên soạn.

Tại buổi họp, với tư cách là đại diện chủ đầu tư, ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản có đôi lời phát biểu, cám ơn những ý kiến đóng góp của Hội đồng. Theo ông, các ý kiến được đưa ra đều rất xác đáng, tốt về mặt chuyên môn, giúp ích nhiều cho chính chủ đầu tư và chủ biên công trình. Ông có lưu ý về việc dịch thuật văn bản, đồng thời yêu cầu bổ sung phần Index, thông tin chung về huyện và các bản đồ, bản vẽ thêm phần sinh động cho cuốn sách.

Tóm lại, buổi họp nghiệm thu đã diễn ra hết sức tốt đẹp và thành công. Với những ý kiến đóng góp quý báu của một “Hội đồng kim cương” - theo như lời của GS.TSKH. Vũ Minh Giang - thì sản phẩm sau khi chỉnh sửa sẽ thực sự hoàn hảo. Hy vọng, các tập sách sớm ra đời để đóng góp vào thành tựu chung của bộ sách “Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội” nói riêng và “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” nói chung.

 

Trang Phạm

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)