BỨC TRANH LỊCH SỬ THĂNG LONG - HÀ NỘI QUA TỦ SÁCH THĂNG LONG NGÀN NĂM VĂN HIẾN
Với mục tiêu như vậy, mảng sách lịch sử của Tủ sách ngay từ ban đầu đã được quan tâm, đầu tư cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Đến nay, về cơ bản mảng sách đã hoàn thiện và qua các đầu sách, bạn đọc có thể tìm thấy những kiến thức cần thiết về hơn 1000 năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội với sự biến thiên vô cùng phong phú, đa dạng.
Cố GS. Phan Huy Lê - Nguyên Trưởng ban TVCM mảng sách Lịch sử, Phó Chủ tịch hội đồng Tư vấn khoa học Dự án Tủ sách đã đóng góp rất nhiều ý kiến để Nhà xuất bản hoàn thiện cơ cấu mảng sách. Giáo sư đặc biệt yêu cầu đảm bảo tính toàn diện, tính liên thông và tính hệ thống.
Với những nỗ lực của Nhà xuất bản, của các nhà khoa học trong ban tư vấn chuyên môn mảng sách lịch sử… lịch sử của Thăng Long - Hà Nội được dựng lại qua những giai đoạn lịch sử kế tiếp nhau, qua các sự kiện biên niên, qua cái nhìn tổng quan của toàn bộ quá trình lịch sử và qua những lát cắt tiêu biểu. Qua các đầu sách thuộc mảng sách Lịch sử, bạn đọc và các nhà nghiên cứu sẽ có được cái nhìn đa diện, đa chiều về Thăng Long - Hà Nội, sẽ đánh giá được vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình lịch sử chung của dân tộc cũng như tìm ra những nét đặc trưng tiêu biểu riêng mang tính cách Thăng Long - Hà Nội… Có thể nói, đây là một trong những thành công của Tủ sách, đáp ứng được sự mong đợi của bạn đọc.
Trước tiên cần kể đến các đầu sách viết về giai đoạn sơ khai của vùng đất Thăng Long - Hà Nội: “Hà Nội thời tiền Thăng Long”, “Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương”. Với nguồn tư liệu khảo cổ học phong phú, các luận chứng khoa học đã được chứng minh một cách thuyết phục, đây là cơ sở để luận giải nhiều vấn đề của lịch sử vùng đất, phản ánh được sắc thái riêng của Thăng Long - Hà Nội trong cái nhìn so sánh với toàn bộ châu thổ Bắc Bộ và bên ngoài.
Khi hình dung về lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, người ta dễ hình dung lịch sử của vùng đất này với lịch sử các vương triều. Điều nay thật dễ hiểu bởi trong hơn 1000 năm lịch sử, từ khi nhà Lý định đô tại Thăng Long, đặt tên nước là Đại Việt đến nay thì phần lớn thời gian đây là vùng đất được lựa chọn là kinh đô, thủ đô, trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, hành chính mang tính chất quốc gia. Nơi đây diễn ra các hoạt động của bộ máy chính quyền trung ương, ban hành các quyết sách chiến lược về kinh tế, văn hóa, quân sự… Sự hưng suy của Thăng Long - Hà Nội phản ánh sự hưng suy của các vương triều và ngược lại. Với các đầu sách “Vương triều Lý (1009 - 1226)”, “Vương triều Trần (1226 - 1400)”, “Vương triều Lê (1428 - 1527)”, “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng”, chúng ta sẽ có được cái nhìn xuyên suốt về hơn 7 thế kỷ của vùng đất này trong mối quan hệ với lịch sử quốc gia, dân tộc. Tiếp nối lịch sử của các vương triều là “Lịch sử Hà Nội cận đại (1883 - 1945)”, “Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”. Mỗi một đầu sách mang đến cho bạn đọc về một giai đoạn lịch sử của Hà Nội ở tất cả các mặt, có những nhận định, đánh giá, tổng kết được chứng minh bằng các thành quả nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh các đầu sách về một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử, “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” là công trình tổng quan, có giá trị nhất của mảng sách được biên soạn công phu bởi một tập thể tác giả, cố giáo sư Phan Huy Lê chủ biên. “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” cập nhật được tất cả những kết quả nghiên cứu mới nhất về Hà Nội, dựa trên những nguồn tư liệu vô cùng quý giá trong và ngoài nước, biên soạn theo một quan điểm mang tính hiện đại trên cơ sở phát triển của lịch sử xã hội. Nếu chỉ tìm kiếm các tư liệu, sự kiện lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, hai đầu sách “Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội” và “Biên niên lịch sử Hà Nội (từ Tháng 8/2008 đến nay)” đã rà soát, tập hợp xây dựng một hệ thống tư liệu, sự kiện diễn ra tại Thăng Long - Hà Nội, về Thăng Long - Hà Nội bao gồm cả vùng đất mở rộng. Đây không chỉ là lịch sử biên niên của Thăng Long - Hà Nội mà còn là nguồn tư liệu để so sánh, đối chiếu, phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu về vùng đất.
Bức tranh lịch sử hình thành phát triển của Thăng Long - Hà Nội được nhấn lại ở những dấu ấn đặc sắc bằng các đầu sách về một vấn đề, một lĩnh vực, một lát cắt, một nhân vật lịch sử tiêu biểu… Giai đoạn I đã xuất bản các đầu sách “Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”, “Thăng Long - Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm”, “Lịch sử chính quyền thành phố Hà Nội”, “Hồ Chí Minh với thủ đô Hà Nội”… Năm 2019, giai đoạn II của dự án sẽ tiếp tục khai thác khía cạnh này với các đầu sách “Tổng tập khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội (1898 - 8/2008), “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, “Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội”…
Có thể nói với sự nỗ lực của các nhà khoa học trong Hội đồng Tư vấn khoa học, ban Tư vấn chuyên môn, mảng sách Lịch sử dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” là một hệ thống khá hoàn thiện về toàn bộ lịch sử, hình thành, phát triển, biến đổi của Thăng Long - Hà Nội (bao gồm cả vùng đất mới mở rộng). Bạn đọc chắc chắn sẽ tìm thấy ở đây nhiều thông tin thú vị, bổ ích, những phát hiện, nghiên cứu mới về lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Tuấn Hưng