NHỮNG VẤN ĐỀ ĐỊA LÝ THĂNG LONG - HÀ NỘI QUA TỦ SÁCH THĂNG LONG NGÀN NĂM VĂN HIẾN
Xác định tính chất đặc thù của mảng sách địa lý trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, ban Tư vấn chuyên môn mảng sách đề nghị Nhà xuất bản ưu tiên cho chất lượng, không cần mở rộng số lượng đề tài. Số lượng hơn 10 đầu sách được tổ chức biên soạn ít hơn các mảng sách khác khá nhiều. Tuy nhiên, ban tư vấn chuyên môn đã giúp chủ đầu tư xây dựng cơ cấu mảng sách khá hoàn thiện về Địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn của Thăng Long - Hà Nội.
Địa lý tự nhiên với các nghiên cứu mang tính chất hệ thống hóa các mô hình và quá trình hình thành địa chất, địa mạo, khí hậu và hệ động thực vật... của vùng đất, là cơ sở hình thành và quyết định tính cách, đặc trưng văn hóa dân cư mỗi vùng. Mỗi công trình nghiên cứu “khu vực học” đều cần bắt đầu từ địa lý tự nhiên. Với vai trò quan trọng, với tính chất đặc thù cao nên không khó hiểu khi “Atlas Thăng Long - Hà Nội”, “Địa lý Hà Nội” trở thành các đề tài nhận được sự quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Các nhà khoa học và chủ đầu tư đều đánh giá cao ý nghĩa khoa học và thực tiễn của hai đề tài trong nghiên cứu, quy hoạch, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội. Với sự ưu tiên đầu tư kinh phí lớn, tập hợp một đội ngũ đông đảo các nhà địa lý, hai công trình đã cập nhật những kết quả nghiên cứu mới nhất đưa ra được bức tranh tổng quát về địa lý tự nhiên Thăng Long - Hà Nội bằng lời và bằng hình ảnh.
Tiếp tục đi sâu vào mảng địa lý tự nhiên, ban Tư vấn chuyên môn đã giới thiệu những đề tài nghiên cứu mang tính chất đặc trưng vùng của Thăng Long - Hà Nội. Giai đoạn I đã xuất bản “Hà Nội, địa chất, địa mạo và các tài nguyên liên quan” và “Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong định hướng phát triển không gian thủ đô Hà Nội”. Trong giai đoạn II, một đề tài được mong đợi là “Sông hồ Hà Nội”, nghiên cứu hiện trạng, tiềm năng của hệ thống sông hồ, một đặc trưng địa lý nổi bật của “Hà Nội - vùng đất bên trong sông”. Công trình là sự tổng hợp thành quả nghiên cứu của PGS.TS Đặng Văn Bào trong rất nhiều năm, chứa đựng nhiều thông tin mới, hấp dẫn. Đặc biệt trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về biến động hệ thống sông hồ Hà Nội, công trình đã đề ra định hướng sử dụng hợp lý các hồ nước và sông ngòi thành phố Hà Nội - một trong những vấn đề bức thiết đối với Hà Nội hiện nay.
So với địa lý tự nhiên, những đầu sách địa lý nhân văn nhiều hơn, có sự kế thừa các thành quả nghiên cứu đã có. Một điều có thể khẳng định, đây đều là các đầu sách có chất lượng cũng như giá trị khoa học và thực tiễn cao, được biên soạn bởi các tác giả, tập thể tác giả uy tín, đáp ứng được sự mong đợi của bạn đọc. “Địa bạ cổ Hà Nội”, “Địa chí Cổ Loa”, “Địa chí vùng Tây Hồ”, “Địa chí Hà Tây” là những đầu sách đã xuất bản trong giai đoạn I, đóng góp rất lớn vào thành công của dự án. Bước sang giai đoạn II, mảng địa lý nhân văn được ban tư vấn chuyên môn giới thiệu đề tài “Dân cư Thăng Long - Hà Nội”, “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội” cũng nhận được sự quan tâm rất lớn ngay từ khi xây đựng đề cương. Với đề tài về đân cư - một đề tài nghiên cứu khá phức tạp, có tính thời sự sẽ đóng góp nhiều kiến nghị cho các nhà hoạch định chính sách trong quản lý xã hội.
Có lẽ trong các mảng sách của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, mảng sách địa lý gồm những đầu sách mang nặng tính hàn lâm nhất. Chính vì vậy, hội đồng nghiệm thu luôn yêu cầu các chủ biên đảm bảo văn phong trong sáng, cách trình bày dễ đọc, dễ hiểu nhất, phục vụ được nhiều đối tượng độc giả. Ban tư vấn chuyên môn cũng đề xuất chủ đầu tư và các tác giả, chủ biên trên cơ sở các đầu sách nghiên cứu thu gọn nội dung, giảm bớt tính hàn lâm, xuất bản thành các đầu sách mang tính phổ thông hơn. Đây là một hướng để đưa các kết quả nghiên cứu, thành tựu của Tủ sách đến đông đảo bạn đọc.
Dù số lượng đầu sách không lớn nhưng mảng sách địa lý xứng đáng được đánh giá là mảng sách thành công của Tủ sách với chất lượng khoa học cao, có giá trị phục vụ cả trong nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.
Tuấn Hưng