Sự kết nối của truyền thống thượng võ với tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng qua cuốn sách “Kinh đô Rồng - Từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng”
Đề tài có hoàn cảnh và quá trình biên soạn khá đặc biệt. Chủ biên đầu tiên và là người đưa ra ý tưởng sáng tác là cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Sau khi nghiệm thu xong đề cương, sưu tầm tư liệu và viết được một phần bản thảo (khoảng gần 200 trang) thì nhà văn qua đời do lâm trọng bệnh. Nhà xuất bản Hà Nội quản lý di cảo và mời nhà thơ Bằng Việt tham gia tiếp nối hoàn chỉnh công trình. Trải qua khá nhiều năm (từ 2013 đến 2019), tập bản thảo mới được hoàn thành với diện mạo gồm 4 phần 15 chương với gần 600 trang do nhà thơ Bằng Việt chủ biên. Trên tinh thần là người tiếp nối, chủ biên thứ hai của công trình, nhà thơ Bằng Việt đã cố gắng viết, chắt lọc tư liệu nhiều nhất có thể để cho ra thành phẩm dầy dặn như ngày hôm nay. Trong quá trình biên soạn, nhà thơ đã gặp phải nhiều khó khăn không chỉ về mặt thời gian và kinh phí mà còn là những khác biệt cả về ý tưởng lẫn phong cách. Nhà thơ đã mạnh dạn thay đổi lại kết cấu bản thảo cho phù hợp, từ kết cấu ban đầu là 3 phần, 26 chương thành 3 phần 10 chương rồi cuối cùng mới đổi lại thành 4 phần 15 chương, chưa kể bài tổng quan và phần Phụ lục. Việc điều chỉnh, thay đổi lại kết cấu sách theo thực tế biên soạn là điều hết sức bình thường và dễ hiểu.
Chủ đề của cuốn sách được xuất phát từ ý tưởng biên soạn của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Cố nhà văn đã nhận công trình này với mong muốn kết nối các sự kiện lịch sử của dân tộc để thăng hoa lên một tầm cao mới về nhận thức, kể câu chuyện về truyền thống thượng võ gắn với tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng. Câu chuyện này có thể hợp lý với người này nhưng lại vô lý với người kia. Không phải ai cũng tán đồng việc gắn kết giữa truyền thống thượng võ với chủ nghĩa anh hùng. Theo như ý kiến của giáo sư Trần Ngọc Vương và một số thành viên khác trong hội đồng thẩm định, truyền thống thượng võ không phải và cũng không đồng nhất với truyền thống chống giặc ngoại xâm, không phải là bảng thành tích những võ công trong lịch sử dân tộc hay của những chiến thắng quân sự của đất nước. Chủ nghĩa anh hùng có thể được thể hiện qua những thắng lợi quân sự hay những hình thức biểu hiện khác nhưng không phải xuất phát từ tinh thần thượng võ. Phân tích này đã chỉ rõ tính thiếu logic của vấn đề. Từ đó dẫn tới nhiều ý kiến trái chiều, làm thay đổi góc nhìn cũng như cách viết tùy hứng của nhóm biên soạn.
Tuy nhiên, đối với công trình này chúng ta cần nhìn nhận nó trên bình diện văn học, văn hóa nhiều hơn là bình diện nghiên cứu thì mới thấy được “cái logic theo mạch cảm xúc” của tác giả. Để thuyết phục người đọc chấp nhận “cái logic theo mạch cảm xúc” ấy là không hề đơn giản. Nhà thơ Bằng Việt và nhóm biên soạn đã cố gắng rất nhiều và đã thu được những thành công nhất định trong việc thể hiện mạch cảm xúc không tuân theo logic thông thường đó. Nó không phải là một công trình biên khảo mà cũng không phải là một tác phẩm văn học. Hướng xử lý của chủ biên công trình nằm ở bài giới thuyết của cuốn sách lý giải rõ quan điểm viết của mình. Viết lại bản thảo dưới góc độ văn học, không đi theo hướng lấy khảo cứu lịch sử làm chính, không viết quá nhiều về lịch sử võ thuật mà dựa trên tinh thần ấy để nêu lên chủ nghĩa anh hùng và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt nói chung và của Thăng Long - Hà Nội nói riêng.
Bên cạnh đó, chủ biên cũng khuôn lại phạm vi không gian cho cuốn sách, tập trung chủ yếu vào các sự kiện và nhân vật về Thăng Long - Hà Nội, loại bỏ bớt những chi tiết không tập trung với chủ đề cuốn sách. Ngoài ra, tên các chương, tít phần quá dài cũng được đặt lại cho ngắn gọn, khái quát hơn. Nội dung mỗi phần cũng cô đặc hơn, nổi bật hơn với chủ đề truyền thống thượng võ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta, nhất là nhân dân Hà Nội trong những giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước. Cuối sách là phần phụ bản ảnh, khá sinh động và lôi cuốn người đọc.
Sau khi chỉnh sửa và biên tập cẩn thận, công trình là một tác phẩm có giá trị. Một tác phẩm văn học có khảo cứu lịch sử truyền thống thượng võ nhằm nêu bật chủ nghĩa anh hùng dân tộc của mảnh đất Rồng bay. Cuốn sách được viết công phu sẽ đi vào lòng người đọc một cách tự nhiên và hấp dẫn. Việc cuốn sách được công bố và được độc giả đón nhận không chỉ là sự thành công của người biên soạn đương thời - nhà thơ Bằng Việt, sự tự hào của chủ đầu tư - Nhà xuất bản Hà Nội mà còn là lời tri ân sâu sắc tới người khởi thảo đã khuất bóng - cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Đó mãi là nghĩa cử cao đẹp mà chúng ta luôn hướng tới.
Trang Phạm