Một Hà Nội đa sắc trong “Sương bóng mặt người”
Dưới góc nhìn của một người làm báo, tản văn của ông là sự hài hòa giữa những con chữ đầy cảm xúc với những nhận định sắc sảo về hiện thực cuộc sống. Nhưng dù khách quan, dù điềm tĩnh, đằng sau mỗi trang viết vẫn là những nỗi niềm của một người Hà Nội đang chứng kiến Hà Nội đổi thay từng ngày mà vẫn không thể ngừng hoài niệm, nuối tiếc về những cảnh, những người, những nếp tục của một thời sương phố.
Ở đó, người đọc như lạc về Hà Nội cùng những ngày chưa xa khi bước vào tháng Chạp nhà nhà người người lôi đủ mọi thức từ đỉnh đồng, mâm bồng ra lau chùi đến bóng lọng. Các bà, các mẹ rộn ràng bếp núc sên mứt, rửa lá, đãi đỗ… Cũng ở đó, trong tản văn “Chân “quấy”, chân “phủi”” Hà Nội lại xuất hiện với bao bề bộn của cuộc sống đô thị hiện đại với những sân bóng nhân tạo với thảm cỏ xanh mướt với đủ đèn đóm sáng choang nằm chen giữa những tòa nhà cao chọc trời.
Ở thể loại truyện ngắn 13 tác phẩm được đưa vào “Sương bóng mặt người” lại mở ra cho người đọc về một hiện thực khác. Đó là những câu chuyện về đời, về thân thận con người, nhân tình thế thái. Nhân vật trong truyện ngắn của Trần Chiến đủ mọi tầng lớp xã hội, mỗi người một cảnh ngộ, một số phận khác nhau, nhưng cùng gặp nhau trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc- là được sống chính là mình, với đúng nhu cầu, mong ước của bản thân, cho dù không phải ai cũng có thể tới đích.
Dù gần dù xa, dù hồi tưởng hay phản ánh chân thực cuộc sống, trong 360 trang sách nhỏ bé ấy, người đọc sẽ nhận thấy hơi thở của vùng đất, con người ở nơi đây.
Vương Hà