Nguyễn Công Hoan, người mang tiếng cười vang dội vào văn chương
Không quá khi nói rằng, nhà văn Nguyễn Công Hoan là người mang tiếng cười vang dội vào văn chương hiện đại Việt nam thế kỷ 20. Nhà phê bình Nguyễn Việt Thắng đã phân tích và làm rõ điều này qua cuốn sách “Hà Nội từ góc nhìn văn chương” do NXB Hà Nội phát hành. Ở đây, tác giả đã lý giải nguồn gốc chất hài hước trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đó chính là từ suối nguồn văn hóa dân gian, đặc biệt văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười). Nhưng đừng nghĩ rằng, tiếng cười, sự hài hước trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan là dễ dãi, bông phèng, “nhẹ đồng cân”, mà đó là tiếng cười ra nước mắt, là những bi hài kịch có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Điều ấy đã được bộc lộ qua hàng loạt các tác phẩm của ông như Người ngựa, ngựa người, Răng con chó của nhà tư sản… Tiếng cười, chất hài hước trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước năm 1945, suy cho cùng là sự thể hiện một thái độ tích cực đối với đời sống, một lý tưởng thẩm mỹ tiến bộ. Mặt khác, nó biểu hiện một tài năng nghệ thuật xuất chúng của một nhà văn biết cách hấp thu tinh hoa văn hóa dân gian trong quá trình sáng tác.
Thu Cúc