Phố xá Thăng Long hình thành, nhộn nhịp nhờ các làng nghề thủ công
Các cuộc khảo cổ trên địa bàn Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây... đã tìm thấy nhiều di vật như: Rìu đá, lưỡi cuốc, dao sắt... đã minh chứng cho sự tồn tại và phát triển các nghề thủ công trên địa bàn Thăng Long-Hà Nội có từ thời xa xưa. Theo cuốn “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long-Hà Nội” của TS Đinh Hạnh làm chủ biên, viết: Thời Bắc thuộc, khi phố phường chưa hình thành, làng nghề chưa định hình một cách rõ nét, nghề thủ công mới chỉ mới bó hẹp trong từng gia đình. Dần dần tại các làng, xã xuất hiện những làng nghề thủ công trên cơ sở tách một phần hoặc hoàn toàn khỏi sản xuất nông nghiệp bên cạnh những làng thuần nông truyền thống.
Bước vào thời kỳ phong kiến dân tộc từ năm 1010 thì nhiều thợ thủ công ở các vùng xa gần, như: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang... đã hội tụ về Thăng Long sinh cơ lập nghiệp. Các làng, phường thủ công buôn bán xuất hiện, phố xá theo đó cũng hình thành và ngày càng nhộn nhịp. Cùng với thời gian, nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng, nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, giá trị thẩm mỹ tiếp tục được phát tích, như: Nghề mộc, nề, sơn, khảm, tiện gỗ...
Khi Thăng Long trở thành đế đô thì số lượng cư dân theo họ hàng, làng xóm từ thôn quê đến ngày càng đông. Phố phường ở Thăng Long khi đó đã được trở thành nơi sản suất và bán những mặt hàng do họ sản xuất ra.
Hữu Trưởng