Thực dân Pháp đã kìm hãm các làng nghề thủ công của Hà Nội thế nào?
Suốt thời kỳ Pháp thuộc, nhiều ngành hàng và sản phẩm thủ công nghiệp của các làng nghề truyền thống của Hà Nội, Hà Đông phải đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa Pháp tràn vào chèn ép, không thể phát triển được. Cuốn “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long-Hà Nội” do TS Đinh Hạnh làm chủ biên, viết: “Mặt hàng vải nhập từ Ấn Độ thuộc Pháp đã chiếm lĩnh gần như toàn bộ phố Hàng Đào và các chợ ở Hà Nội, Hà Đông, đánh bật nhiều loại vải, lụa của các làng nghề dệt Vạn Phúc, làng La ra khỏi phố. Giấy viết sản xuất ở các nhà máy hiện đại do Pháp nhập vào đã chiếm lĩnh các loại giấy sản xuất thủ công ở các làng nghề Yên Thái, Bưởi, Nghĩa Đô”.
Chính sách chèn ép của Thực dân Pháp đã khiến nhiều làng nghề thủ công ở Hà Nội phá sản. Trong đó, đáng tiếc nhất là các làng nghề dệt vải, lụa, làm giấy, sơn, làm đường mật, nghề nấu rượu. Ngoài ra, cuốn sách này còn cho biết, một số làng nghề thủ công mang tính độc đáo, sử dụng lao động khéo tay mang tính “độc quyền” không có sự cạnh tranh với hàng hóa Pháp vẫn phát triển, như: Thêu ren, đăng ten, sơn mài, sứ Bát Tràng...
Hữu Trưởng