Hiểu về tổ chức bộ máy chính quyền thời Lê Thái Tổ
Đọc Cuốn “Vương Triều Lê (1428-1527)” do GS. TS Nguyễn Quang Ngọc làm chủ biên mới thấy, ngay sau khi đánh đuổi hết quân Minh về nước Lê Lợi lên ngôi vua, lập tức tụ tập quần thần để bàn cách xây dựng đất nước. Vua Lê Thái Tổ đã tiến hành tổ chức lại các đơn vị hành chính và bộ máy chính quyền các cấp. Triều đình được chia thành 2 ban Văn, Võ. Ban Văn có Đại hành khiển và Hành khiển đứng đầu 5 đạo, sau cũng có lấy chức Bộc xạ là Hành khiển. Thượng thư đứng đầu bộ. Vào thời điểm này Lê Thái Tổ đặt 3 bộ, là: Bộ Lại, bộ Lễ và Hộ bộ. Ngoài ra, còn có các quan chuyên trách, như: Nội mật viện, Trung thư sảnh, Hoàng môn sảnh, Môn hạ sảnh, Bí thư giám, Hàn lâm viện, Ngũ hình viện, Ngự sử đài, Quốc Tử Giám, Quốc sử viện, Nội thị sảnh.
Ban Võ có 6 quân ngự tiền: Ngự tiền võ sĩ, Ngự tiền trung quân, Tả dực thánh quân, Hữu dực thánh quân, Tiền dực thánh quân và Hậu dực thánh quân. Đứng đầu 6 quân ngự tiền là các chức Đại tổng quản, Đại đô đốc, Đô tổng quản, thứ đến là Tổng quản, Đô đốc, Đồng tổng quản, Đồng tổng binh, Quản lãnh. Ngoài ra còn có đội Ngự tiền vũ đội để túc trực hậu hạ nhà vua. Nói chung bộ máy nhà nước quân chủ trong những năm đầu của vua Lê Thái Tổ tuy đã chặt chẽ nhưng hãy còn sơ sài, chưa có quy củ nhất định. Tuy nhiên, nếu so với thời Lý, Trần, bộ máy nhà nước thời Lê Thái Tổ đã là một bước tiến về mức độ tập trung chính quyền.
Hữu Trưởng