Tính nhân đạo, nhân văn trong luật Hồng Đức
Vua Lê Thánh Tông được biết đến là vị minh quân, không chỉ coi trọng việc phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa mà còn hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó, Bộ Luật Hồng Đức ra đời đã chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ, nhân đạo, nhân văn sâu sắc, kỹ thuật pháp lý hoàn thiện hơn so với các bộ luật cùng thời, có những điểm tiếp cận gần với kỹ thuật pháp lý hiện đại. Trong Cuốn “Vương triều Lê (1428-1527)” do GS. TS Nguyễn Quang Ngọc làm chủ biên, các tác giả đã dày công nghiên cứu về Luật Hồng Đức đã thay đổi đời sống xã hội thời điểm đó như thế nào?
Luật Hồng Đức không chỉ bảo vệ trẻ em, người già, người tàn tật mà còn có nhiều điều luật bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Đây là một bước cải tiến vượt thời đại bởi thời điểm đó người phụ nữ luôn bị xem là kẻ đầy tớ trong gia đình. Không những thế, luật này quy định rõ người phụ nữ có thể ly dị chồng nếu như phải chịu nhiều thiệt thòi do bị chồng bạo hành, mắng nhiếc phi lý. Phạm vi của Luật Hồng Đức rất rộng, nhưng phạm vi điều chỉnh gồm pháp luật hình sự, dân sự, quân sự, hành chính, hôn nhân gia đình, tố tụng... rất chi tiết, rạch ròi. Cuốn “Vương triều Lê (1428-1527)” đã đưa ra nhiều tư liệu chứng minh về tính thực thi nghiêm túc, hiệu quả của Luật Hồng Đức sau khi được vua Lê Thánh Tông quy định chặt chẽ. Ví dụ như năm 1467, đã có 323 trường hợp đã bị xử tù tử tội. Tuy vậy, vua Lê Thánh Tông ra sắc dụ “người có tội oan uổng cũng phải xem xét lại và minh oan cho họ”, tạo ra một cuộc sống công bằng về pháp luật.
Hữu Trưởng