Lớp văn hóa Lý Trần Lê tại địa điểm khảo cổ học đàn Xã Tắc
Lớp văn hóa Lý Trần Lê tại địa điểm khảo cổ học đàn Xã Tắc dày khoảng 0,7 đến 0,9m và phân bố toàn bộ 6 hố đào và còn đang lan rộng ra cả các hố xung quanh. Trong cuốn sách “Di tích khảo cổ học đàn Xã Tắc Thăng Long”, PGS.TS Tống Trung Tín và các cộng sự đã có những phân tích về lớp văn hóa nà. Theo đó, lớp văn hóa Lý Trần Lê tại 6 hố đào của địa điểm khảo cổ học đàn Xã Tắc có đủ các hiện vật thời Lý (thế kỷ XI-XIX), thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), thời Lê ( thế kỷ XV-XVIII).
Các di vật này không xếp thành lớp riêng biệt mà thường trộn lẫn vào nhau, đan xen lẫn nhau gồm đủ các loại gạch, ngói, gốm từ thời Lý, Trần, Lê. Di vật thời Lý tiêu biểu là các mảnh gạch đá lát hoa sen, gốm men trắng chạm hoa sen, trong cánh sen có chạm hình hoa sen có niên đại thế kỷ XI-XII. Di vật thời Trần tiêu biểu là các loại ngói mũi lá, ngói mũi sen, gốm men các loại có niên đại thế kỷ XIII-XIV. Di vật thời Lê tiêu biểu là gạch vồ, đồ sứ có niên đại thế kỷ XV-XVIII. Trong lớp văn hóa này, thỉnh thoảng có lẫn một số mảnh gạch, mảnh gốm men thời Bắc thuộc và một số mảnh gốm men thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đáng lưu ý là đã tìm thấy dấu tích móng, nền của các kiến trúc cổ có niên đại thuộc thời Lý, Trần, Lê đang còn nguyên vị trí ban đầu.
Thu Hương