Các dấu hiệu để nhận biết thần tích
Thần tích, hiểu nôm na là thần phả, ngọc phả hay phả lục. Đây là loại hình văn bản ghi chép sự tích các thần được thờ ở đình, đền, miếu. Thần tích Hà Nội cũng như thần tích ở các địa phương khác, thường gắn với các địa danh làng xã. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về thần tích cùng các dấu hiệu nhận biết thần tích, Cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội: Thần tích Hà Nội” do PGS. TS Nguyễn Thị Oanh làm chủ biên đã cung cấp các công trình nghiên cứu công phu của 161 phường, thôn, xã của Hà Nội.
Cuốn sách này phân thần tích làm hai loại: Một loại là bản sao chép. Một loại là bản ghi chép. Tuy nhiên, để nhận biết đâu là thần tích, đâu là sự tích lại là câu chuyện không hề đơn giản. Các tác giả trong cuốn sách này đã đưa ra một công thức thống nhất về thần tích, gồm: Phần thứ nhất là lai lịch và công trạng. Phần này, ngoài mào đầu nói về các triều vua của nước ta ra thì còn có lai lịch, sinh nở thần kỳ, tài đức, công tích... Phần thứ hai gồm sự phong tặng của triều đình phong kiến và các nghi thức thờ cúng. Phần thứ ba là lạc khoản. Phần này có các mục ngày tháng năm, tên người biên soạn và sao chép, chứng thực của chức sắc địa phương. Thần tích nào cũng vậy do được viết chủ yếu bằng tiếng Hán người dân hầu như không được tiếp xúc với thần tích mà chủ yếu chỉ biết lai lịch của thần qua lời kể. Điều đó cho thấy thần tích là loại văn bản mà người dân bình thường không dễ được tiếp cận, nó cũng chứng tỏ phần nào sự tin cậy về niên đại của thần tích, nhưng ngược lại việc giả tạo niên đại cũng dễ dàng xảy ra.
Hữu Trưởng