Hiểu đầy đủ về văn hóa làng
Văn hóa làng trong “Làng cổ Hà Nội” tập 1 được thể hiện qua văn hóa Gia đình-dòng họ, tín ngưỡng đa thần-ngôi đình và ngôi chùa, tính tự trị và tự quản, hội làng, liên kết nhà-làng-nước... Cụ thể, ở nông thôn, trong các làng xã thì dòng họ là một tổ chức có tính truyền thống và xã hội. Kết cấu của dòng họ người Việt thường có Gia phả, từ đường và ruộng họ hay quỹ họ. Tín ngưỡng trong văn hóa làng được thể hiện ở việc thờ đất và nước. Trong đó, có tục thờ Thành hoàng và đình làng là hiện tượng đặc sắc trong văn hóa Việt Nam, là đặc trưng của văn hóa làng. Ngoài ra, văn hóa làng không thể không kể tới hội làng. Điều đó được thể hiện qua Lễ hội tái hiện những nghi thức sinh hoạt nông nghiệp, Lễ hội tái hiện những sự kiện lịch sử, Lễ hội tái hiện các sinh hoạt xã hội... Ngày nay dù xã hội phát triển, đời sống không ngừng được nâng cao nhưng văn hóa làng vẫn còn in sâu trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Trong đó, lễ hội là hình ảnh mà người ta có thể dễ dàng nhìn thấy nhất.
Văn hóa làng còn được thể hiện ở ý thức cộng đồng làng, không đồng nhất với ý thức cộng đồng dân tộc nhưng nó là một trong những nguồn gốc của ý thức dân tộc. Ví dụ trong trường hợp gặp họa xâm lược thì vấn đề sinh tồn của làng xã và đất nước thì ý thức làng và ý thức dân tộc là một.
Hữu Trưởng