Làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng cổ Hà Nội?
Thông qua khảo sát, nghiên cứu, các tác giả trong Cuốn “Làng cổ Hà Nội” tập 1 do TS Lưu Minh Trị làm chủ biên đã nêu ra thực trạng của làng cổ Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Các kiến trúc làng cổ, cổng làng, các làng nghề truyền thống ở làng cổ Hà Nội ngày càng bị thay đổi, đặt ra một vấn đề cấp thiết trong việc bảo tồn và phát huy.
Tuy một số làng cổ vẫn giữ được gần như nguyên vẹn về kiến trúc thì nhiều làng đã không còn hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình. Cổng làng là biểu tượng cũng dần bị phá bỏ, thay thế để phù hợp cho xe ô tô ra vào. Nhiều làng nghề gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều mặt hàng trôi nổi, đặc biệt là hàng Trung Quốc. Từ kết quả việc đánh giá, phân tích, các tác giả trong Cuốn “Làng cổ Hà Nội” tập 1 đã đưa ra một số kiến nghị để bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Hà Nội. Trong đó, có việc nêu cao vai trò của chính quyền các câp và nhân dân. Phải xây dựng quy hoạch bảo tồn, tôn tạo làng cổ. Không những phải bảo tồn kiến trúc, các làng cổ phải tiếp tục phát huy bảo tồn di sản phi vật thể, nhất là các lễ hội. Đối với các làng nghề truyền thống cần phải định hướng phát triển du lịch gắn liền với việc bảo vệ môi trường... Chưa hết, cuốn sách này còn đưa ra nhiều ví dụ về một số làng cổ tiêu biểu ở Hà Nội đã có các giải pháp hay để bảo tồn, phát huy giá trị mà nhiều làng cổ khác có thể học theo, nhân rộng.
Hữu Trưởng