Làng gốm Bát Tràng trong “Làng cổ Hà Nội”
Bát Tràng là làng nghề duy nhất ở miền Bắc không gắn với sản xuất nông nghiệp, không có ruộng cấy lúa trong địa phận làng. Nơi đây được biết đến là vùng đất địa linh, nhân kiệt gắn liền với nhiều câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Từ trước đến nay đã có nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu viết về Bát Tràng, song chưa thật đầy đủ và chân thực. Vì lẽ đó trong Cuốn “Làng cổ Hà Nội” tập 1 do TS Lưu Minh Trị làm chủ biên, các tác giả đã dành một dung lượng lớn để nghiên cứu về Bát Tràng thông qua: Vị trí địa lý, vùng đất, con người; Nghề làng, người làng; Cấu trúc của làng xưa; Di tích lịch sử văn hóa...
Bên cạnh việc đưa ra những bằng chứng chứng minh về gốc tích của người làng Bát Tràng có gốc gác ở Ninh Bình, Cuốn “Làng cổ Hà Nội” tập 1 còn đưa ra nhiều so sánh về cấu trúc làng Bát Tràng so với làng nông nghiệp. Làng Bát Tràng là làng công thương nghiệp nên nó không mang hình ảnh về lũy tre xanh bao bọc, không có ao cũng chẳng có đồng lúa. Tuy nhiên, làng Bát Tràng có những nét rất riêng mà không nơi đâu có được khi đường làng, đường ngõ đều được lát gạch kín đến sát tường nhà... Dù khác so với các làng cổ khác nhưng làng Bát Tràng vẫn sở hữu nhiều di tích lịch sử-văn hóa tương đồng. Bát Tràng vẫn có đình cổ, chùa cổ, đền thờ Mẫu và các lễ hội, hội làng phong phú. Ngoài ra, cuốn sách này còn giới thiệu về truyền thống hiếu học của làng Bát Tràng với hàng nghìn người tốt nghiệp đại học, hơn 30 người có học hàm học vị-là một cuốn tư liệu phong phú để bạn đọc tìm hiểu, nghiên cứu.
Hữu Trưởng