Chu Văn An - bậc thầy muôn đời của người Việt Nam
Chu Văn An (1292 - 1370), ông tên tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn, Khang Tiết, tên thụy là Văn Trinh. Ông sinh tại thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Khi trưởng thành, Chu Văn An nổi tiếng thông kinh bác sử, tài năng, đức độ. Chu Văn An từng đi thi và đỗ Thái học sinh. Đời vua Trần Minh Tông, ông làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, nổi tiếng uyên bác và cao khiết, đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước, như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh... Thời vua Trần Dục Tông (1341 - 1369), chính sự suy đồi, nịnh thần lũng đoạn, làm nhiều điều sai trái. Ông dâng sớ xin chém 7 nịnh thần (Thất trảm sớ), vua không nghe, ông bèn treo ấn từ quan về ở ẩn, dạy học, viết sách tại núi Kiệt Đặc (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Tác phẩm của ông để lại gồm bộ sách Tứ Thư thuyết ước, hai tập thơ Tiều Ẩn thi tập và Quốc ngữ thi tập. Sau khi mất, ông được thờ trong Văn Miếu Thăng Long, được tôn xưng như “bậc thầy muôn đời của người Việt Nam”.
Có nhiều sách viết về Chu Văn An, nhưng đôi dòng trong Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội thêm một lần nữa khắc ghi nhân cách, con người được xem bậc thầy muôn đời của người Việt Nam.
Thanh Vân