Chính sách lôi kéo nhân tài và chú trọng vào khoa cử của nhà Mạc
Dù xuất thân là người bình dân ít học nhưng Mạc Đăng Dung rất quan tâm đến chính sách trọng sĩ, ưu đãi sử dụng các nho sĩ hiền tài. Tuy vậy, dưới ánh mắt của nho sĩ thì Mạc Đăng Dung luôn bị coi là kẻ cướp ngôi, ngụy triều. Một số nho sĩ đã nổi lên chống lại hoặc công khai phản kháng, số nhiều hơn thì thi hành chính sách bất hợp tác thụ động, từ quan về ở ẩn. Trong tình hình đó, Mạc Đăng Dung đủ khôn ngoan để tranh thủ những nho sĩ, quan liêu dưới chế độ cũ là triều Lê sơ, lôi kéo ưu ái họ để làm việc cho tân triều, miễn là họ không bạo động chống lại.
Theo cuốn sách “Thăng Long-Kẻ Chợ thời Mạc-Lê Trung hưng” do PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ làm chủ biên, Mạc Đăng Dung nói riêng và các triều đại nhà Mạc nói chung đều tổ chức rất nhiều những khoa thi tiến sĩ (3 lần trong một năm). Trong thời gian nắm quyền ở Thăng Long-Kẻ Chợ, nhà Mạc tổ chức tổng cộng 22 khoa thi, lấy đỗ 484 tiến sĩ, trong đó có 11 trạng nguyên, 12 bảng nhãn, 19 thám hoa, 101 hoàng giáp và 341 đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Trong lịch sử khoa cử có lẽ chỉ có vương triều Lê sơ mới có thể so sánh được triều Mạc. Giáo dục khoa cử nhà Mạc ở mức độ nhất định đã mang ít nhiều tính thoáng mở, đổi mới, chú trọng vào thực tiễn, thực dụng.
Hữu Trưởng