Phong cách ăn mặc của người Thăng Long thời Lê-Trịnh
Người Thăng Long-Kẻ Chợ chốn kinh kỳ cũng rất sành điệu hoặc tỏ ra sành điệu trong cách thức mặc và phục sức. Theo luật lệ đẳng cấp, chỉ có tầng lớp quan lại mới được mặc các hàng gấm vóc đắt tiền, nhiều màu sắc tùy theo phẩm trật. Thường là dùng áo thanh cát rồi màu đỏ. Trước ngực có gắn một miếng vải gọi là bố tử, có thêu các hình muôn thú để phân biệt phẩm trật. Quan văn thêu hình các loài chim, như yểng, cò, vẹt, nhạn, công, hạc… Quan võ thêu các loài thú như beo, gấu, báo, hổ, sư tử…
Theo cuốn sách “Thăng Long-Kẻ Chợ thời Mạc-Lê Trung hưng” do PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ làm chủ biên, quần áo dành cho bình dân nam giới có chất liệu và màu sắc giản dị hơn. Đàn ông thường quần áo bằng vải thô để mộc, mặc quần lá tọa, chân đi đất. Đến cuối thời Lê Trung hưng, tầng lớp cư dân đô thị Kẻ Chợ có xu hướng thích mặc quần áo đẹp như áo thanh cát, trước kia chỉ dành riêng cho các tầng lớp vương, công, khanh, sĩ. Khi ra đường, thị dân Kẻ Chợ chít các loại khăn đầu rìu, khăn chữ Nhân, khăn xếp, đội nón, đôi khi theo thời thường để đầu trần, búi tóc. Trang phục của phụ nữ Thăng Long-Kẻ Chợ cầu kỳ và chải chuốt hơn. Họ mặc yếm, áo cánh, váy, ra đường mặc áo dài tứ thân, thắt lưng hầu bao. Màu đỏ thường pha sắc đào và hoa hiên, màu xanh pha sắc thiên thanh hoặc lý hoặc lam giang. Có nhiều loại đồ trang sức của phụ nữ như khuyên, vòng vàng, xà tích bạc. Những người khá giả ra đường thường đi giày hoặc đi hài.
Hữu Trưởng