Sân khấu Thăng Long-Kẻ Chợ và thời kỳ phát triển cực thịnh
Tuồng, chèo, múa rối nước là những loại hình nghệ thuật sân khấu được ưa thích ở Thăng Long-Kẻ Chợ, trong cung điện cũng như ngoài dân gian. Nhìn chung sân khấu bài trí đơn giản, hóa trang và động tác của các diễn viên mang nhiều tính ước lệ, nhưng cơ bản đã đạt tới một trình độ nghệ thuật điêu luyện. Trong cuốn sách “Thăng Long-Kẻ Chợ thời Mạc-Lê Trung hưng”, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ cho biết, phần lớn các vở được diễn thâu đêm suốt sáng. Diễn viên sân khấu thường có độ 3 đến 5 người. Thù lao của họ không quá một nghìn đồng, tương đương chừng 1 USD cho suốt cả đêm diễn. Nhưng những khán giả hào phóng đã tặng cho họ những đồng tiền thưởng mỗi khi họ diễn khéo, hay…
Các nghệ sĩ rất điêu luyện thành thạo trong việc diễn tả cảnh những dòng thác, sông ngòi, biển cả, bão tố và những trận thủy chiến của các tàu thuyền. Thời Lê Trung hưng, để trợ cấp cho việc bồi dưỡng những đội giáo phường đến biểu diễn ở sân đình cho quần chúng xem, các xã, thôn phường hằng năm phải nộp một khoản phí đặc biệt, gọi là “thuế cửa đình”. Chèo là loại hình sân khấu dân gian phổ biến trong quần chúng, tổng hợp các yếu tố ca, vũ, kịch, thường đậm chất trào phúng. Người ta hãy diễn chèo trong các hội hè, ở những nơi công cộng, đặc biệt là sân đình.
Hữu Trưởng