Tam giáo đồng nguyên và đời sống tín ngưỡng tôn giáo thời Mạc
Cũng như trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội-văn hóa khác, hiện tượng thoáng mở, khoan dung là một nét nổi bật trong đời sống tin ngưỡng tôn giáo ở Thăng Long-Kẻ Chợ thời Mạc. Ngoài việc 3 tôn giáo Nho-Phật-Đạo chung sống hòa bình và hòa nhập cùng nhau (Tam giáo đồng nguyên, Tam giáo tịnh tồn), các tín ngưỡng dân gian truyền thống cũng có điều kiện phát triển. Đặc biệt, thời kỳ này đã xuất hiện và phổ biến trong dân gian đạo Mẫu, thờ Mẫu Liễu Hạnh được liệt vào hàng Tứ bất tử trong thần phả, là vị nữ thần duy nhất trong bộ tứ đó, có một lai lịch nửa thiên giới nửa trần tục, tượng trưng cho những khát vọng tình yêu đôi lứa nơi trần thế.
Theo cuốn sách “Thăng Long-Kẻ Chợ thời Mạc-Lê Trung hưng” do PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ làm chủ biên, một thời gian sau kinh thành Thăng Long đã xuất hiện một hiện tượng Tam giáo đồng nguyên lần thứ hai. Lúc này, Nho giáo vẫn được coi như hệ tư tưởng chính thống nhà nước, nhưng Phật giáo và Đạo giáo nhân cơ hội sụp đổ của nhà Lê sơ đã trỗi dậy. Tam giáo đồng nguyên ở Thăng Long-Kẻ Chợ là một giáo đồng nguyên mới, phi nhà nước và đậm tính dân gian và cũng đã được một số nho sĩ và các cá nhân trong tầng lớp quý tộc ủng hộ. Nó tạo cơ sở tiền đề cho những đợt sóng văn hóa mới và sự phát triển của Tam giáo đồng nguyên thời Lê-Trịnh những thế kỷ 17-18.
Hữu Trưởng