Nguyên nhân thái độ chủ hòa, bạc nhược của triều Nguyễn trước thời cơ giải phóng thành Hà Nội đang đến rất gần
Trong khi đó, tình hình nước Pháp cũng rất bi đát. Nước Pháp vừa bại trận trong cuộc chiến tranh với Đức, bị mất đất (Alsace và Lorraine) và bồi thường chiến phí nặng nề. Sự khốn đốn của quân Pháp ở Bắc Kỳ và sự khó khăn của nước Pháp là điều kiện thuận lợi để triều đình Huế phát động binh sĩ và quần chúng phản công Pháp. Cơ hội giành được thắng lợi là rõ ràng. Thế nhưng, trái với nguyện vọng của dân chúng, triều Nguyễn đã đi vào con đường thỏa hiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thương thuyết với Pháp, Tự Đức lệnh cho Hoàng Kế Viêm phải kéo quân lên Sơn Tây, quân đội Cờ Đen phải kéo lên mạn ngược để chờ lệnh mới. Cơ hội để giải phóng Bắc kỳ và Hà Nội đã bị bỏ lỡ đáng tiếc. Nguyên nhân dẫn đến thái độ chủ hòa bạc nhược của triều đình Huế, theo PGS.TS Phạm Hồng Tung và PGS.TS Trần Viết Nghĩa trong cuốn sách “Lịch sử Hà Nội cận đại”, là do vua quan nhà Nguyễn vốn sợ dân hơn sợ giặc, khư khư chỉ lo giữ ngôi vua và lợi ích của hoàng tộc Nguyễn, mặt khác là do sự hiểu biết nông cạn, sai lầm về thời cuộc, u mê và ngây thơ trước âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Điều này đã bộc lộ rất rõ trong bài Chế sách Đình thí do đích thân vua Tự Đức soạn ra vào khoa thi Đinh Sửu 1877.
Thu Hương