Quân Pháp viện cớ chống giặc cướp, bảo vệ quyền lợi của công dân Pháp để đánh thành Hà Nội lần thứ 2
Trong cuốn sách “Lịch sử Hà Nội cận đại”, PGS.TS Phạm Hồng Tung và PGS.TS Trần Viết Nghĩa cho biết, trong lần can thiệp Bắc Kỳ trước đó, người Pháp đã dựa vào vụ Dupuis, thì lần này họ lại viện cớ Lưu Vĩnh Phúc. Họ cho rằng, đội quân Cờ đen đã ngăn chặn các hoạt động thương mại của thương nhân ngoại quốc, nhất là thương nhân Pháp.
Năm 1880, các thương nhân Hoa kiều, Đức và Pháp đã gửi một số kiến nghị phản ánh sự khó khăn do các toán cướp gây ra, yêu cầu Thống đốc Nam Kỳ cho quân đội chiếm đóng Bắc Kỳ. Năm 1882, Pháp đã vu cáo triều đình Huế vi phạm hiệp ước năm 1874, như để cho quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc ngăn chặn việc tàu bè đi lại buôn bán trên sông Hồng, tiếp tục chính sách đàn áp giáo dân, đàn áp những người đã từng cộng tác với Pháp, giao thiệp với triều Thanh… Rõ ràng, người Pháp đã vin vào lý do chống giắc cướp để bảo vệ sự an toàn và quyền lợi của công dân Pháp nhằm biện minh cho hành động đưa quân ra Bắc Kỳ. Thực chất, việc quân đội viễn chinh Pháp ra Bắc Kỳ lần này không phải là để chống giặc cướp mà là xâm lược. Như vậy, một lần nữa, người Pháp đã vi phạm thô bạo hiệp ước 1874, chà đạp lên những quyền dân tộc cơ bản của một nước có chủ quyền.
Thu Hương