Bộ máy chính quyền ở Hà Đông và Sơn Tây trước năm 1906
Đứng đầu Tòa sứ, cơ quan quyền lực cao nhất cấp tỉnh, ở Hà Đông và Sơn Tây là một viên Công sứ người Pháp. Đứng đầu bộ máy cai trị cấp tỉnh ở Hà Đông và Sơn Tây là một viên quan Tổng đốc người Việt Nam. Trụ sở bộ máy chính quyền của người Pháp và người Việt Nam ở Hà Đông là thị xã Hà Đông, ở Sơn Tây là thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, người Pháp chỉ đặt ách cai trị trực tiếp đến cấp tỉnh, còn việc cai trị cấp phủ, huyện, châu và xã là do bộ máy quan lại Nam triều đảm nhiệm. Đứng đầu các phủ, huyện và châu là Tri phủ, Tri huyện và tri châu. Mỗi phủ, huyện có trên dưới 10 tổng do Chánh tổng và Phó tổng cai quản. Mỗi tổng quản lý trên dưới 10 làng, xã. Xã và làng là cấp thấp nhất trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp và Nam triều. Đứng đầu làng, xã là Lý trưởng và Phó Lý trưởng. Ngoài ra còn có Hội đồng kỳ mục, Hội đồng kỳ hào cũng tham gia quản lý bộ máy làng xã. Bộ máy chính quyền ở Hà Đông và Sơn Tây trước năm 1906 đã được PGS.TS Phạm Hồng Tung và PGS.TS Trần Viết Nghĩa điểm lại trong cuốn sách “Lịch sử Hà Nội cận đại”.
Thu Hương