Điểm nét những sản vật của Thăng Long-Hà Nội thời Lê-Trịnh
Thăng Long-Kẻ Chợ là một đô thị lớn, do vậy nền kinh tế chủ đạo là thủ công nghiệp và thương nghiệp. Tuy nhiên, một nền kinh tế nông nghiệp vẫn tồn tại ở đây. Trong các làng thôn giáp canh ven đô, quang cảnh hầu như không khác gì nông thôn. Ruộng lúa được trồng xen vào những khu đất trống nội đô và càng trở nên phổ biến ở vùng ven đô. Chính quyền Lê-Trịnh đã có chính sách ưu đãi, giảm gần một nửa thuế tô cho những nông dân kinh thành. Trong cuốn sách “Thăng Long-Kẻ Chợ thời Mạc-Lê Trung hưng”, PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ đã miêu tả, dâu tằm và đay là những cây trồng được nhà nước khuyến khích. Một loạt các thôn phường ven đô và vùng hồ Tây đã trở thành những làng chuyên canh đặc sản trông hoa quả.
Kinh tế chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cũng phổ biến ở khắp nơi kinh thành, đặc biệt là việc nuôi bắt cá ở các vùng đầm hồ. Trong đó, cá hồ Tây được ví như chẳng kém gì cá lăng sông Tùng, cá ngon ở hang Bính, cá chép sông Hà hay cá mè sông Hạc. Những nông phẩm trồng trọt và chăn nuôi ở Thăng Long-Kẻ Chợ thời kỳ này không thuộc loại tự sản tự liệu đáp ứng cho những nhu cầu của chính những gia đình sản xuất hoặc chỉ lưu thông trao đổi trong phạm vi thôn phường. Có thể kể tới gạo, các loại thịt, cá, trứng, gia súc gia cầm, rau quả đủ loại… Ở cửa ven sông Tô Lịch, còn có cả các chợ bán mặt hàng chuyên sản như chợ Gạo, chợ Cá.
Hữu Trưởng