Vị trí của Thăng Long-Kẻ Chợ trong nền kinh tế quốc dân Đại Việt
Thăng Long là một trung tâm chính trị, văn hóa, ngoại giao, bộ mặt của đất nước. Chế độ ưu tiên và ưu đãi về chính trị và kinh tế đã được áp dụng ở đây, mức thuế tô dung điệu đối với các cư dân kinh thành đều được giảm hoặc miễn. Việc thi hành luật pháp cũng có phần nghiêm minh hơn. Trong cuốn sách “Thăng Long-Kẻ Chợ thời Mạc-Lê Trung hưng”, PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ đã nhận định, dù vậy sức ép về chính trị-kinh tế ở Thăng Long lại có phần mạnh hơn. Chính quyền trung ương và địa phương luôn luôn để mắt tới những hành động sai đường lối chính sách, phát hiện, cấm đoán và trừng trị những ai vi phạm quy chế, kỷ luật. Pháp luật tuy được coi là nghiêm nhưng vẫn không ngăn chặn được những tệ nạn đô thị, thói sách nhiễu của các gia nhân các nhà buôn giàu có, của những quan chức có trách nhiệm giao thiệp với các tàu buôn nước ngoài.
Kho báu tài nguyên nhân văn của Thăng Long-Kẻ Chợ chính là của tầng lớp cư dân đô thị. Khác với tầng lớp thị dân trong các thành thị trung đại Tây Âu, khối thị dân Thăng Long-Kẻ Chợ là một tập hợp cư dân đa thành phần, bao gồm giới quan liêu nho sĩ, thợ thủ công và thương nhân, kể cả một số nông dân đô thị và tầng lớp hạ đẳng đô thị. Cũng theo cuốn sách “Thăng Long-Kẻ Chợ thời Mạc-Lê Trung hưng”, động lực phát triển Thăng Long-Kẻ Chợ thời kỳ này không phải là cuộc tranh đấu làm chủ về kinh tế-chính trị mà là sự tăng tiến về trí tuệ, tinh thần cũng như kinh nghiệm, tài nghệ trong sản xuất kinh doanh của những trí thức, nho sĩ, tài tử văn nhân cũng như những thợ thủ công, thương nhân…
Hữu Trưởng