Huy Cận và nỗi sầu bi trong “Các vị la hán chùa Tây Phương”
Trong làng thơ Việt Nam, Huy Cận được mệnh danh là nhà thơ luôn đi nhặt nhạnh những nỗi sầu của thế gian. Đọc thơ của Huy Cận, người ta hay gặp nỗi buồn của một con người bơ vơ, bé nhỏ, lạc loài giữa trời đất, vũ trụ bao la rộng lớn. Trong cuốn sách “Một vùng văn hóa Hà Thành”, tác giả Nguyễn Hòa Bình đã tuyển chọn bài thơ “Các vị la hán chùa Tây Phương” nhằm giúp bạn đọc hiểu hơn về tính cách và phong cách thơ của Huy Cận.
Đọc “Các vị La Hán chùa Tây Phương”, chúng ta lại bắt gặp một tâm hồn đồng cảm sâu sắc trước nỗi đau bế tắc không tìm được lối thoát của cha ông trong lịch sử. Huy Cận là một hồn thơ luôn âu lo, khắc khoải về số phận của con người, luôn băn khoăn, day dứt về thế cuộc nhân sinh và tác phẩm này cũng không nằm ngoài điệu hồn cố hữu đó. Huy Cận không phải là một nghệ nhân điêu khắc, chạm trổ nhưng ông dã dùng nghệ thuật ngôn từ để vẽ nên những đường nét sống động gợi cảm, vô cùng sắc sảo tỉ mỉ cho các pho tượng. Cái tài của Huy Cận ở đây là ông đã tạo nên một vẻ riêng trong mỗi pho tượng về cả gương mặt và vóc dáng. Các pho tượng tuy riêng mà rất chung, vẫn giống nhau ở chỗ là bức tượng nào cũng biểu lộ sự đau khổ, khắc khoải về con người, về cõi đời trong quá khứ, về kiếp trầm luân của chúng sinh.
Hữu Trưởng