Khủng hoảng ruộng đất thời Lê-Trịnh
Thời Lê-Trịnh về cơ bản vẫn muốn tuân theo chính sách nông nghiệp truyền thống, củng cố, tăng cường vị thế chủ đạo của bộ phận ruộng công. Tuy nhiên, triều đình không thể không chấp nhận và thỏa hiệp với một thực tế xã hội lúc đó sự phát triển của ruộng tư và nền kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp. Trong cuốn sách “Thăng Long-Kẻ Chợ thời Mạc-Lê Trung hưng”, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ cho rằng, chính điều đó đã tạo nên thế giằng co, dẫn đến tình trạng bất ổn và cuối cùng là khủng hoảng ruộng đất.
Trong cố gắng lập lại trật tự ruộng đất, nhà Lê-Trịnh đã ban hành phép quân điền, với tinh thần lấy ruộng của người giàu để chia cho dân nghèo. Nhà nước sai kiểm kê thu hồi lại tất cả các loại ruộng đất bãi sông, ruộng ẩn lậu, ruộng cầm đợ không có văn tự mua bán rõ ràng, đem chia cho các loại đối tượng bao gồm quan trên, binh lính, các hạng dân chúng kể cả những người tàn tật, cô quả. Những dân xiêu tán nay được triệu tập trở về quê cũ, đăng ký họ tên, đều được cấp phần ruộng. Phép quân điền được điều chỉnh lại cứ 6 năm một lần. Về nông nghiệp, ruộng tư phát triển mạnh đan xen chằng chịt với ruộng công, nhất là ở vùng kinh thành và các trấn chung quanh kinh thành. Vì vậy, việc kiểm kê, thu hồi lại ruộng bị ẩn lậu mua bán, chấp chiếm trái phép trở nên khó khăn, nhất là bị tầng lớp cường hào địa chỉ chống đối. Nông dân và tầng lớp dân xiêu tán cũng chẳng được hưởng lợi bao nhiêu.
Hữu Trưởng