Tại sao lại gọi Hà Nội xưa là Thăng Long-Kẻ Chợ?
Thời Mạc-Lê Trung hưng, số lượng, tên gọi, địa giới của các đơn vị hành chính Thăng Long-Kẻ Chợ đã nhiều lần thay đổi, chỉnh lý qua các thời kỳ và cũng có sai biệt trong những tài liệu khác nhau. Có một số các phường thôn thực sự là thuần nông, những xóm làng nông thôn trong lòng đô thị. Những phường thôn chuyên canh thường tập trung ở phía tây và tây nam. Ở phía bắc và tây bắc, khu vực ven bờ hồ Tây và sông Tô Lịch với các cửa hàng cửa hiệu là những địa điểm buôn bán cố định của những thị dân đã sống và định cư ở Kẻ Chợ. Theo cuốn sách “Thăng Long-Kẻ Chợ thời Mạc-Lê Trung hưng” do PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ làm chủ biên, các cửa hàng cửa hiệu này chính là sự kết tinh và lai ghép của các làng nghề chuyên thủ công và mạng lưới chợ. Do vậy, khu Kẻ Chợ thường được gọi là “băm sáu phố phường”.
Khu hạt nhân đô thị Thăng Long-Kẻ Chợ là các phố phường nội đô với các cửa hàng cửa hiệu. Thời Lê-Trịnh, hệ thống các phường đã ổn định, kết hợp chức năng kinh tế sản xuất và chức năng hành chính-cư dân. Một số phường nổi tiếng được nhiều người biết đến như Đông Hà (Hàng Chiếu), Hà Khẩu (Hàng Buồm), Đông Các (Hàng Bạc), Diên Hưng (Hàng Ngang)… Các phố chính của kinh thành thời kỳ này khá rộng rãi, tuy có một vài phố hẹp. Khu dân cư phố phường buôn bán này thường được gọi là “Thành phố Kẻ Chợ” để phân biệt với “Thành phố Hoàng cung” chỉ Hoàng thành Thăng long của triều đình lúc đó.
Hữu Trưởng