Thời Lê-Trịnh và những tác động tiêu cực với Thăng Long-Kẻ Chợ
Trái ngược với nhà Mạc, chính sách kinh tế của Lê-Trịnh đối với quốc dân nói riêng và Thăng Long-Kẻ Chợ là dao động, thiếu nhất quán, hàm chứa nhiều mâu thuẫn. Trong cuốn sách “Thăng Long-Kẻ Chợ thời Mạc-Lê Trung hưng”, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ cho rằng, định hướng chủ đạo của vương triều phong kiến này vẫn là tuân theo những lời dạy bảo của thánh hiền về đạo trị nước, những giáo điều nghiêm ngặt của Nho giáo chính thống.
Nổi bật lên là quan điểm “trọng bản ức mạt”, “trọng nông ức thương”, kèm theo đó là quan điểm vừa coi thường vừa cảnh giác đối với những ngoại di đến từ nước ngoài. Vì thế, trong những văn bản pháp chế chính thức, những lời huấn dụ của vua chúa nhà nước đã tỏ ra xiết chặt kiểm soát, hạn chế sự phát triển của kinh tế hàng hóa của kinh thành cũng như toàn đất nước. Nhà nước cũng thi hành chính sách đóng cửa, giảm thiểu tiếp xúc chính trị, ngoại giao cũng như kinh tế-văn hóa, hạn chế kiều dân đối với các nước ngoài, các tàu buôn ngoại quốc đến buôn bán, đặc biệt là các nước phương Tây. Đó là những tác động tiêu cực nặng nề đối với đời sống Thăng Long-Kẻ Chợ.
Hữu Trưởng