Cư dân văn hóa Hòa Bình và công cuộc chiếm cư hang động tại Hà Nội
Văn hóa Hòa Bình là văn hóa đá mới sớm nhất Việt Nam với niên đại khoảng 18.000-7.500 năm cách ngày nay và có nguồn gốc từ văn hóa Sơn Vi. Văn hóa Hòa Bình phân bố khá rộng lớn, bao gồm 130 di tích ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Nội… Cư dân văn hóa Hòa Bình chủ yếu định cư trong các hang động và mái đá ở vùng núi đá vôi, họ sống tập trung thành từng cụm, ở những nơi có nhiều sông suối lớn nhỏ đảm bảo cung cấp nước uống, thức ăn… Trong cuốn sách “Biên niên lịch sử Thăng Long-Hà Nội” phần bổ sung, PGS.TS Phan Phương Thảo và đội ngũ biên soạn của mình đã công bố những bằng chứng về dấu tích của cư dân văn hóa Hòa Bình trong công cuộc chiếm cư các hang động ở Mỹ Đức (Hà Nội).
Tại khu vực Hà Nội ngay từ năm 1975, dấu tích văn hóa Hòa Bình từng được phát hiện và khai quật ở các di tích lịch sử cư trú hang động và mái đá Sập Bon, Hang Luộn, hang Sũng Sàm… tại Mỹ Đức. Tại mái đá Sập Bon đã phát hiện tầng văn hóa dày 1-1,4m phân bố trong bề mặt hang rộng 10m và dài 18m, 1/3 di chỉ bị phủ bởi một tảng đá lớn. Tại Hang Luộn thuộc thôn Hội Xá đã phát hiện tầng văn hóa dày 2m phân bố trong bề mặt hang rộng 9m và ở độ cao 70m, cửa hang hướng tây bắc, di chỉ đã xáo trộn… Sự tồn tại của nhóm di tích văn hóa Hòa Bình trong các hang động và mái đá khu vực Hương Sơn huyện Mỹ Đức đã cho thấy cuộc sống của cư dân thời đại đá mới sơ kỳ trên dải đất phía tây nam Hà Nội.
Hữu Trưởng