Dấu tích của cư dân văn hóa Phùng Nguyên tại Hà Nội
Văn hóa Phùng Nguyên thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau, có niên đại 4.000-3.500 năm cách ngày nay, gồm 70 di tích phân bố tập trung ở khu vực hợp giao lưu các con sông lớn: Sông Hồng, sông Đà, sông Lô và sông Đáy, tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Bắc Ninh. Phần lớn các di tích nằm ở miền trước núi, dưới chân đồi núi đất, ven sông suối ở vùng trung du; một vài địa điểm trên các khu đất cao châu thổ, ven biển. Trong cuốn sách “Biên niên sử Thăng Long-Hà Nội” phần bổ sung, PGS.TS Phan Phương Thảo đã cung cấp cho bạn đọc những di tích của cư dân văn hóa Phùng Nguyên tại Hà Nội.
Trên đất Hà Nội hiện đã phát hiện được khoảng 22 di tích văn hóa Phùng Nguyên, trong đó một số lớn di tích đã được khai quật. Di tích phát hiện được nhiều hiện vật thu lượm được rất phong phú và đa dạng. Đó là các di tích Đồi Đồng Dâu, Đồng Chỗ, Gò Hện, Đồng Dền, Bá Nội… Tại di tích Đình Tràng đã phát hiện mộ táng Phùng Nguyên, người chết được chôn trong hố nông ở lớp đất cái-đáy của di chỉ theo tư thế nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng… Người Phùng Nguyên thường sử dụng công cụ sản xuất và đồ trang sức làm từ đá basalt và các loại đá quý hiếm, độ rắn cao. Như vậy, đến đầu thời đại đồng thau, các cộng đồng cư dân Phùng Nguyên đã bắt đầu tràn xuống, khai phá và chiếm cư các vùng đồng bằng thấp xung quanh Hà Nội. Với nền tảng kinh tế nông nghiệp, người Phùng Nguyên đã sinh tụ thành các làng định cư và mở rộng mối quan hệ giao lưu với các cộng đồng cư dân khác trong khu vực.
Hữu Trưởng