Vũ Bằng, cuộc hành trình “đi tìm thời gian đã mất”
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng trong cuốn sách “Hà Nội từ góc nhìn văn chương” đã viết, Vũ Bằng hoài niệm về không gian văn hóa miền Bắc-Hà Nội, giai đoạn sau năm 1954 là những hoài niệm về văn hóa ẩm thực. Chất tự truyện, chất hoài niệm đậm nét trong “Miếng ngon Hà Nội”, “Thương nhớ mười hai”. Cho đến hôm nay, đó là những cẩm nang về văn hóa ẩm thực miền Bắc, Hà Nội. Có thể nói, sức mạnh của con chữ trong tay Vũ Bằng, qua Thương nhớ mười hai và Miếng ngon Hà Nội là để khẳng định ngôn ngữ nghệ thuật, cái vẻ đẹp văn hóa của ẩm thực miền Bắc, ẩm thực Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn vật. Có lẽ trong lịch sử văn học thế giới, ít có quốc gia nào, ít có văn tài nào lại đầu tư nghệ thuật để viết nên những trang văn đẹp lộng lẫy về cái “sự ăn uống”, như trong văn chương hiện đại Việt Nam, như trong các sáng tác của Vũ Bằng. Trong sáng tác của ông, cái không gian văn hóa có vẻ như nhỏ bé hơn-không gian văn hóa gia đình-được nhà văn khơi sâu, tái tạo, xây cất trở thành như một pháo đài tinh thần bất diệt.
Thu Hương