Chiến thắng Tốt Động-Chúc Động và nghệ thuật mai phục của quân ta
Trong “Đại cáo bình ngô”, người Anh hùng dân tộc-danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã đề cập tới nghệ thuật đánh giặc của nghĩa quân Lam Sơn: “Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ/Lấy ít địch nhiều, hay dùng mai phục”. Trong đó, trận Tốt Động - Chúc Động là chiến thắng tiêu biểu cho chiến thuật đó khiến quân giặc “phơi thây”. Theo cuốn sách “Biên niên lịch sử Thăng Long-Hà Nội” phần bổ sung do PGS. TS Phan Phương Thảo làm chủ biên, năm 1426 quân Minh với 90.000 quân dưới sự trực tiếp của Vương Thông đã tấn công lên Chương Mỹ. Với lực lượng ít hơn nhiều, nghĩa quân Lam Sơn đã bố trí trận địa mai phục tại Tốt Động và Chúc Động. Tại Tốt Động, khi đợi quân địch vào thế mai phục quân ta nhất tề nổi dậy. Nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt toàn bộ tiền quân của địch, khiến đại quân của giặc Minh khiếp vía.
Tại trận Chúc Động cũng bằng thế trận mai phục, hàng vạn quân Minh bị chết hoặc bị bắt làm tù binh. Số tàn quân Minh cố vượt sông Ninh Giang lại bị chết đuối rất nhiều, đến nỗi “nước Ninh Kiều vì thế không chảy được” và “làm nghẽn cả khúc sông Ninh Giang”. Trong hai trận Tốt Động và Chúc Động, nghĩa quân Lam Sơn đã tiêu diệt hơn 60.000 tên giặc, trong đó có 50.000 tên bị giết, hơn 10.000 tên bị bắt sống. Chiến thắng Tốt Động-Chúc Động có ý nghĩa quan trọng đối với sự kết thúc thắng lợi của chiến dịch, là tiêu biểu nghệ thuật đánh giặc mai phục của nghĩa quân Lam Sơn.
Hữu Trưởng