Lý do triều đình Huế nghĩ đến việc thương lượng với thực dân Pháp
Đó là sau khi liên minh với các nước đế quốc dùng vũ lực buộc triều Thanh (Trung Quốc) phải ký Điều ước Bắc Kinh (25-10-1860) mở thêm nhiều cửa biển, dành thêm nhiều thị phần, thực dân Pháp đã đưa toàn bộ hải quân ở Viễn Đông về Gia Định để xúc tiến việc đánh chiếm Nam Kỳ, từ đó sẽ mở rộng đánh chiếm Campuchia, Lào và Hoa Nam (Trung Quốc). Đến đầu tháng 2/1861, Tổng tư lệnh các lực lượng hải quân Pháp ở phương Đông, Leonard Victor Joseph Charner đã tập trung một lực lượng hùng hậu gồm 68 chiến hạm và gần 8.000 quân Pháp và Tây Ban Nha. Trong lúc đó, Nguyễn Tri Phương cũng có tới 32.000 quân, 5.000 người được trang bị súng trường, 27.000 được trang bị giáo mác và 200 khẩu đại bác với tầm bắn trung bình 1.500 – 2.000 mét. Ngày 24-2-1861, quân Pháp tấn công đồn Chí Hoa. Sau 2 ngày chiến đấu ác liệt, chúng chiếm được đại đồn Chí Hòa. Ngày 28-2, quân Pháp lại chiếm được đồn Thuận Kiều, rồi tiện đà thắng lợi chiếm luôn Định Tường, Biên Hòa và Vĩnh Tường. Đại đồn Chí Hòa bị mất vào tay giặc làm cho triều đình Huế choáng váng và bắt đầu nghĩ tới việc thương lượng.
Thu Hương