Huyền tích về một danh tướng ném đao xa 10 dặm
Lê Phụng Hiểu là một đại tướng nhà Lý, phụng sự ba triều vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông. Cùng với Lý thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu được ca ngợi là hai vị tướng tài giỏi nhất thời Lý. Theo nghiên cứu của TS Lưu Minh Trị cùng các tác giả trong cuốn sách “Làng cổ Hà Nội” tập 2, Lê Phụng Hiểu là người Thanh Hóa, lúc trẻ có sức khỏe hơn người, rất giỏi võ nghệ. Trong một lần tranh chấp địa giới ruộng vườn, người dân hai làng bên cạnh Kẻ Bưng là Cổ Bi và Đàm Xá lời qua tiếng lại. Làng Đàm Xá cậy có nhiều trai tráng thường xuyên ức hiếp, xâm lấn đồng ruộng của Cổ Bi. Lúc đó, Lê Phụng Hiểu đã trưởng thành, ông nói một mình có thể đánh thắng làng Đàm Xá, lấy lại ruộng cho Cổ Bi. Dân làng mừng rỡ, bèn làm cơm khoản đãi Lê Phụng Hiểu. Thanh niên làng Đàm Xá thấy ông, kéo nhau ra tấn công, ông điềm nhiên nhổ bật cụm tre ven đường vung lên quật tới tấp. Dân làng hoảng sợ bỏ chạy, buộc phải trả hết ruộng vườn cho làng Cổ Bi.
Năm 1044, Lê Phụng Hiểu theo vua đi đánh Chămpa. Ông làm tướng tiên phong, lập công lớn, danh tiếng lẫy lững. Khi trở về vua Lý định công phong thưởng, nhưng ông chỉ xin được cấp một ít ruộng đất để trở về quê làm ăn như xưa. Vua Lý đồng ý và cho phép ông cầm đao đứng trên núi Băng Sơn ném đến đâu thì đất đó sẽ trở thành ruộng đất cấp cho mình. Ông đứng trên ngọn núi phóng đao ném hơn 10 dặm, tính ra khoảng hơn nghìn mẫu ruộng. Khi ông mất đã được người dân làng Phù Xá Đoài (Hà Nội) tôn vinh làm Thành hoàng và thờ tại đình làng.
Hữu Trưởng