Các di tích và di chỉ ở lớp văn hóa 10 thế kỷ sau CN nói lên điều gì?
Sự tồn tại của 3 dọi se chỉ đặc trưng của thời kỳ 10 thế kỷ sau CN ở di chỉ đã cho thấy làng Việt cổ có nghề dệt vải. Địa hình cao ven sông ở đây hẳn rất thuận lợi cho việc trồng các loại cây lấy sợi như dâu, đay, gai phục vụ cho việc se sợi dệt vải. Trong các mộ táng và di chỉ xuất hiện nhiều tiền Ngũ Thù của thời Đông Hán. Điều đó cho thấy, việc trao đổi, buôn bán ở đây khá phát triển. Các loại gốm men cao cấp đương thời xuất hiện ở đây chắc chắn là do trao đổi mà có. Mặc dù chưa tìm thấy bằng chứng về sản xuất nông nghiệp nhưng có thể tin rằng, làng Việt cổ đàn Xã Tắc cũng có hoạt động này, bởi trước đó, nong nghiệp thời các vua Hùng, vua Thục đã được khảo cổ học xác định đạt trình độ phát triển khá cao. Có nhiều bình gốm lớn trong các mộ táng phần nào minh chứng cho sự phát triển nông nghiệp của làng cổ này. Những suy luận và phán đoán này đã được PGS.TS Tống Trung Tín và các cộng sự ghi chép trong cuốn sách “Di tích khảo cổ học đàn Xã Tắc Thăng Long”.
Thu Hương