Đa Sỹ-một làng nghề rèn truyền thống
Trong cuốn “Làng cổ Hà Nội” tập 1 do TS Lưu Minh Trị làm chủ biên, làng Đa Sỹ nằm trong vùng đất địa linh nhân kiệt nơi có nhiều danh nhân có công lao trong lịch sử. Làng Đa Sỹ còn được biết tới là một trong những làng nghề rèn nổi tiếng và lâu đời tại đồng bằng Bắc Bộ. Sản phẩm rèn của làng Đa Sỹ phong phú về chủng loại, kiểu dáng, nổi tiếng bởi độ bền, sắc, cứng hơn bất cứ sản phẩm nào trong vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chính vì thế mà sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ không chỉ trong Nam ngoài Bắc biết tới mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Trước đây có một thời 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia thuộc khu vực Đông Dương là nơi tiêu thụ hàng của làng Đa Sỹ. Dao, kéo của Đa Sỹ còn sang tận cả Đức, Pháp, Mỹ. Sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ rất bền bởi kỹ thuật tôi thép điêu luyện của người làng Đa Sỹ. Người dân nơi đây vẫn tự hào bởi khả năng tạo ra những con dao “chặt được cả sắt”.
Làng Đa Sỹ hiện lên là một làng rèn có truyền thống rất lâu đời. Không ai biết nghề rèn Đa Sỹ có từ bao giờ. Truyền thuyết dân gian kể rằng, xưa ở Đa Sỹ cứ đến vụ là thiếu nông cụ để phục vụ sản xuất, có một Trôi Vẽ về chợ Đa Sỹ ở nhờ làm nghề rèn. Sau đó có một vài nhà trong làng đến xin học nghề và mở lò rèn. Theo các vị cao niên trong làng thì nghề rèn ở Đa Sỹ có từ thời Hùng Vương thứ 18. Khi đó có những người dân trong làng rèn các vũ khí thô sơ như giáo mác cung cấp cho các Lạc hầu, Lạc tướng giữ yên bờ cõi và các công cụ phục vụ sản xuất.
Hữu Trưởng