Nguyễn Phi Khanh và nỗi niềm của người trí thức
Nguyễn Phi Khanh được biết đến là con rể quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Ông sinh ra tại Hải Dương, nhưng sau di cư đến xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc Thường Tín, Hà Nội). Dưới triều Hồ, ông làm Học sĩ Viện Hàn lâm, sau đến Thái tử tả tán Thiện đại phu, Tư nghiệp Quốc tử Giám. Sinh trưởng trong thời kỳ suy thoái của triều Trần, đầu nhà Hồ, thơ văn của Nguyễn Phi Khanh là tâm trạng tiêu biểu của người trí thức Việt Nam trong thời buổi đất nước loạn ly. Cảm hứng rõ nhất trong thơ ông là cảm hứng về đạo lý của kẻ sĩ khi đất nước bất an, thế cuộc điên đảo, tương lai u ám. Triều đình sa sút, bạc nhược, yếu hèn, thiên tai, địch hoạ liên miên, khiến không chỉ đời sống của người dân bị cơ cực, mà ngay cả một bộ phận quý tộc, quan lại, trí thức cũng không tránh khỏi hoàn cảnh buồn thảm.
Trong cuốn “Tuyển tập ký-tản văn xứ Đoài” do Bằng Việt làm chủ biên đã giới thiệu về tác phẩm “Bài ký Động Thanh Hư” của Nguyễn Phi Khanh. Trong đó, Nguyễn Phi Khanh đã thể hiện rõ quan điểm của mình qua: Trong việc xuất, xử của kẻ hiền đạt thì xuất là để hành động theo lẽ trời, xử là để tìm thú yên vui, cũng theo lẽ trời. Trời là gì? Là cái chí thanh, chí hư, chí đại đó thôi! Bốn mùa thành năm mà không tỏ ra có công, vạn vật chịu ơn mà không lộ rõ dấu vết. Không phải trời là chí thanh, chí hư, chí đại, thì đâu được như thế?
Hữu Trưởng