Góc nhìn khác về Hà Nội qua Châu bản triều Nguyễn
Trong hệ thống Châu bản triều Nguyễn hiện còn tại các trung tâm lưu trữ thì Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội chiếm khối lượng tương đối lớn, khoảng gần 5 nghìn văn bản có liên quan. Trong cuốn sách “Châu bản triều Nguyễn”, TS Đào Thị Diến và cộng sự đã chọn lọc, dịch, chú giải khoảng 1.200 văn bản tiêu biểu viết bằng chữ Hán, Nôm, Pháp và một số ít chữ Quốc ngữ, nhằm đưa tới cho người đọc một cách tiếp cận khác về Hà Nội, mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Liên quan tới vùng đất Hà Nội, Châu bản triều Nguyễn chủ yếu tập trung trên văn bản từ niên hiệu Minh Mệnh (1820-1841) tới niên hiệu Bảo Đại(1925-1945). Trong hơn một trăm năm nhiều biến động không tiền khoáng hậu này, vùng đất được mang tên Hà Nội đã trở thành một tỉnh hành chính.
Những tư liệu được giới thiệu trong cuốn sách này đã phản ánh tương đối khái quát các vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Hà Nội cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Trong đó tập trung chủ yếu các vấn đề tổ chức bộ máy hành chính, anh ninh, trật tự, thời tiết, mùa màng, giao thương, quản lý đê điều, bang giao…
Các tư liệu chỉ rõ, Hà Nội thời ấy chỉ còn là dĩ vãng về vị thế từng là Hoàng thành- Quốc đô của quốc gia Đại Nam. Song, sự thay đổi về vị trí hành chính không làm giảm đi những vấn đề cơ bản và thiết yếu của một vùng đất từng được nhiều triều đại định đô.
Hà Thu