Hàng loạt di sản kiến trúc của Hà Nội được xây dựng năm 1888- 1920
Trong chuyên khảo “Dân cư Thăng Long- Hà Nội” của GS.TS Đỗ Thị Minh Đức- GS.TS Nguyễn Viết Thịnh có viết từ 1888-1920 là giai đoạn thực dân Pháp thực hiện chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Người Pháp đã chọn khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, ngay phía nam của khu phố cổ buôn bán sầm uất để làm trung tâm của thành phố, được quy hoạch hiện đại kiểu bàn cờ và xây dựng theo kiến trúc Pháp. Toàn bộ khu vực này kéo dài về phía nam đến đường Trần Hưng Đạo, Hàm Long thường được gọi là khu phố Pháp. Cũng trong thời kỳ này người Pháp đã cho phá hủy gần như toàn bộ Hoàng thành chỉ để lại cổng thành Chính Bắc cũng như toàn bộ các di tích văn hóa kiến trúc truyền thống rải rác quanh hồ Hoàn Kiếm mà sách báo còn nhắc đến như chùa Phổ Giác (để làm tòa Đốc lý Hà Nội- nay là trụ sở UBND TP Hà Nội), chùa Báo Ân (để xây Bưu Điện Hà Nội).
Thời kỳ này để đẩy mạnh khai thác thuộc địa, chính quyền thực dân đã sớm cho xây dựng tuyến đường sắt. Năm 1893-1902 cầu Paul Doumer (Pôn Đume) tức cầu Long Biên được xây dựng qua sông Hồng; Ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) cũng được hoàn thành năm 1902 theo phong cách cổ điển Pháp. Năm 1904 đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn được khai thông. Năm 1905 các tuyến Hà Nội- Hải Phòng; Hà Nội- Lào Cai- Vân Nam (Trung Quốc) và Hà Nội- Vinh được đưa vào khai thác. Hà Nội cũng từng bước có các công trình cơ sở hạ tầng như cơ quan công quyền, bệnh viện, trường học, các công trình tôn giáo… Đường tàu điện được xây dựng trong giai đoạn này.
Hà Thu