Nông dân là cư dân gốc ở đất kinh kỳ
Trong chuyên khảo “Dân cư Thăng Long- Hà Nội” của GS.TS Đỗ Thị Minh Đức- GS.TS Nguyễn Viết Thịnh chỉ ra cư dân gốc của đất kinh kỳ là những người nông dân, làm ruộng. Họ ở ngoài thành Đại La, những cũng ở các làng trong kinh thành. Những làng này mãi đến thế kỷ XX vẫn tồn tại, nổi tiếng như “làng lúa làng hoa” Ngọc Hà hay các làng ven Hồ Tây, ven sông Hồng. Những người nông dân ở kinh thành sản xuất lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp cho kinh thành. Mặc dù như mọi đô thị, Thăng Long không thể tự cung tự cấp đủ sản phẩm nông nghiệp, nhưng trong điều kiện nền kinh tế nặng tính tự cung, tự cấp, giao thông chưa phát triển, thì vai trò của những người nông dân này đối với sự thịnh vượng của kinh thành rất rõ ràng.
Do nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng đặc biệt của chốn kinh kỳ đã thu hút thợ thủ công từ các vùng khác nhau của đồng bằng Bắc Bộ di chuyển đến hình thành các phương, thúc đẩy sự phân công lao động, đồng thời củng cố cơ sở kinh tế của kinh thành. Thợ thủ công từ các nơi đến Kẻ Chợ lập nghiệp và lập ra các phường phố để kiêm buôn bán theo kiểu “buôn có chợ, bán có phường”. Ví dụ như dân phố Hàng Đào phần lớn quê làng Đan Loan phủ Bình Giang trấn Hải Dương có nghề nhuộm vải và buôn bán; Thợ thuộc da và làm giày hài, tập trung ở phố Hàng Giầy, Tạ Hiện, ngõ Hài Tượng; Thợ sơn thiếp tập trung ở phố Hàng Hòm…
Hà Thu