Làng Lỗ Khê-vùng đất văn hóa, ca trù
Lỗ Khê là một làng cổ nằm trong vùng “Ngũ giỗ” (5 điểm nổi tiếng) của huyện Đông Ngàn, đất Kinh Bắc xưa, nay thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Làng không chỉ có nhiều nhà cổ, nề nếp sinh hoạt truyền thống, ngõ gạch nhỏ xinh mà còn được biết đến là làng thờ tổ nghề ca trù. Trong sự đổi mới phát triển chung của xã hội, làng Lỗ Khê vẫn giữ trong mình những tinh hoa văn hóa tổ tiên để lại.
Theo cuốn sách “Làng cổ Hà Nội” tập 1 do TS Lưu Minh Trị làm chủ biên, Làng Lỗ Khê là vùng đất có bề dày văn hiến, có hệ thống các di tích lịch sử văn hóa dày đặc và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo. Lỗ Khê có nhiều di tích lịch sử-văn hóa. Có thể kể tới đình Lỗ Khê, Điện Hưng, chùa Bụt Mọc, nhà thờ Ca Công, văn chỉ làng Lỗ Khê… hay hội làng Lỗ Khê. Lỗ Khê được coi là đất Tổ của loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc là hát ca trù. Thời kỳ đầu, ca trù Lỗ Khê và các họ phục vụ chủ yếu trong các cung đình và hoàng tộc, các tướng lĩnh, binh sĩ nhà Lê, các buổi chúc thọ, mừng công. Tương truyền năm 1428, vua Lê Thái Tổ triệu vợ chồng ông Định Thự về kinh đô để ban thưởng. Tuy nhiên, về kinh một thời gian cả hai đều qua đời. Trước khi mất hai người đều làm thơ để lại, bày tỏ long gắn bó với giáo phường, về quê hương và Ca trù. Sau khi ông bà Định Dự mất, giáo phường Lỗ Khê gồm hai họ Nguyễn Văn và Nguyễn Thế, đứng đầu là các vụ tổ ông và cụ tổ bà vẫn tiếp nối giữ gìn nghệ thuật ca trù. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống văn hóa của người dân, từ các cụ già đến các cháu thiếu nhi đều đam mê hát ca trù.
Hữu Trưởng