Nhà thơ Tản Đà- người chán đời tâm huyết
Đọc cuốn sách “Làng cổ Hà Nội” tập 1 do TS Lưu Minh Trị làm chủ biên, bạn đọc đã được hiểu thêm về nhà thơ Tản Đà, người con của làng Khê Thượng (Ba Vì). Ông tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu. Bút danh Tản Đà là tên ghép giữa núi Tản, sông Đà của quê hương ông. Thơ của Tản Đà chứa đựng nhiều nỗi buồn, suy tư, thậm chí có nhiều vần thơ chán đời. Thời niên thiếu Tản Đà đã trải qua nhiều giai đoạn khóc cười. Năm ông lên 3 tuổi, bố mất cuộc sống gia đình trở nên cùng túng. Một năm sau, vì bất hòa với nhà chồng mà mẹ của ông đã bỏ đi, trở lại nghề ca xướng. Không lâu sau, chị ruột của ông cũng theo nghề mẹ.
Giai đoạn niên thiếu của Tản Đà gắn liền với học hành, thi cử nhưng cũng không thành công. Năm 19 tuổi, ông có những rung cảm tình ái đầu đời với con gái của một nhà tư sản. Năm sau, ông lại yêu con gái ông Tri huyện phủ Vĩnh Tường. Cả hai mối tình này không được trả lời. Ông tham gia kỳ thi Hương nhưng trượt. Thời gian này ông mê một cô gái bán tạp hóa ở phố Hàng Bồ. Vì nhà nghèo không có tiền hỏi cưới ông lại nuôi mộng theo con đường khoa cử. Ông tiếp tục thi Hương nhưng lại trượt. Chuyện tình với cô bán tạp hóa tan vỡ, cô đi lấy chồng. Tản Đà chán bỏ về Hòa Bình tìm khây lãng. Tại đây, ông kết giao được với nhiều bằng hữu, trong đó có nhà tư sản Bạch Thái Bưởi. Chính vì trải qua nhiều câu chuyện trớ trêu trong cuộc sống nên sau này thơ, văn của Tản Đà bị ảnh hưởng bợi sự sầu muộn, suy tư, chán đời. Dù vậy, những tác phẩm của ông đều gây được tiếng vang. Không chỉ là nhà thơ, nhà văn, ông còn được biết đến là một nhà viết kịch nổi tiếng.
Hữu Trưởng