Vùng đất truyền thuyết về chuyện bánh trôi
Làng Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) là một làng cổ bên cửa sông Hát. Là một địa phương xuất hiện sớm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Hát Môn còn được nhắc đến trong các tác phẩm cổ xưa. Nói đến Hát Môn là nhắc đến câu chuyện bánh trôi. Theo truyền thuyết dân gian, trước khi nhảy xuống dòng Hát giang tự vẫn, Hai Bà trưng được lão bán quán dâng hai đãi bánh trôi và hai quả muỗm. Hai hạt muỗm tương truyền được hai bà vứt xuống đánh dấu chỗ đất cho nhân dân lập đền thờ. Hai cây muỗm lớn sum suê, tỏa bóng mát. Bên đền thờ Hai Bà, người ta còn lập đền thờ bà bán bánh trôi nước dưới một gốc cây đa cổ thụ-tức Quán Tiên trong khu di tích Hát Môn hiện nay.
Theo cuốn sách “Làng cổ Hà Nội” tập 1 do TS Lưu Minh Trị làm chủ biên, sáng sớm ngày 6-3 đền Hát Môn mở cửa, thắp hương tế lễ. Cả làng cùng làm bánh trôi để dâng cúng Hai Bà. Bánh trôi ở làng Hát Môn được nặn theo hình quả trứng. Để dâng Hai Bà, bánh được nặn đúng 100 viên rất nhỏ và sau khi tế thần xong dân làng đem 49 viên đặt vào lòng một bông hoa sen thả sông Hát để trôi ra biển, người ta nhìn những viên bánh trôi đi. Trong khi cúng tế Hai Bà, dân xã Hát Môn không quên bà hàng nước. Họ cũng dâng bánh cùng bà. Gần 2.000 năm đã đi qua nhưng phong tục làm bánh trôi và lễ hội đền Hát Môn vẫn có một sức sống kỳ lạ, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và lòng tôn kính, biết ơn Hai Bà Trưng của nhân dân địa phương.
Hữu Trưởng