Đôn Thư-một làng quê văn vật
Người Đông Thư rất tự hào về mảnh đất quê mình-vùng đất “Địa linh nhân kiệt”. Xưa Đôn Thư có tới hai ba mươi vị đỗ Thám hoa, Cử nhân, Tú tài làm quan trong triều, làm Tri huyện, Tri phủ ở nhiều nơi. Làng Đôn Thư thì tên Đôn Thư là do Thành hoàng mở bình sinh đặt cho. Thư là sách, Đôn là cái giá, cái đế. Đôn Thư là cái giá để sách. Không biết có phải vì đặt tên làng có ý nghĩa tàng chứa thi thư như vậy mà đất Đôn Thư phát về văn nghiệp chăng?
Theo cuốn sách “Làng cổ Hà Nội” tập 1 do TS Lưu Minh Trị làm chủ biên giới thiệu Đôn Thư là một làng quê văn vật. Làng Đôn Thư có nhiều Thần tích, Gia phả bị thất lạc bởi chiến tranh và thời gian, nhưng qua những câu chuyện được dân gian truyền miệng và những nhân vật lịch sử làng Đôn Thư vẫn tồn tại trong ký ức của người dân, càng chứng tỏ Đôn Thư là một làng quê cổ giàu truyền thống văn vật. Đó là những mẩu chuyện về quan Đông các Vũ Công Trấn còn dấu tích như Ao quan lớn thượng, đền thờ và mộ cụ bên cây duối cổ thụ ở làng, chuyện các vị Quận công dòng họ Nguyễn Hầu nay chỉ còn dấu tích bia đá mòn trơ tại nhà không còn chữ đọc được, chuyện về “Bà chúa đúc tiền”, chuyện về danh sư Phạm Vũ Quyền dạy học cho ba vua, chuyện “Thần đồng Đầm Sen” về quan Thám hoa Vũ Phạm Hàm... Đôn Thư nổi tiếng là một làng hiếu học, nhiều người đỗ đạt và làm quan.
Hữu Trưởng