Đông Ngạc-làng “Mỹ tục khả phong”
Làng Đông Ngạc, tên nôm là làng Vẽ, nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Làng Đông Ngạc không chỉ nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn làng quê vùng Bắc Bộ mà còn là nơi trong lịch sử có nhiều người học rộng tài cao, đỗ đạt làm quan. Đây là ngôi làng có nhiều người đỗ Tiến sĩ ở kinh thành Thăng Long. Theo cuốn sách “Làng cổ Hà Nội” tập 1 do TS Lưu Minh Trị làm chủ biên đã giới thiệu, dưới thời phong kiến từ thời Lý đến nhà Nguyễn, Việt Nam có khoảng 20 làng khoa bảng. Tuy không có Trạng nguyên nhưng Đông Ngạc vẫn là một trong những làng khoa bảng tiêu biểu vì có tới 22 Tiến sĩ.
Các dòng họ trong làng, dòng họ nào cũng có người đỗ Tiến sĩ, ít nhất là một người, nhiều nhất là họ Phạm 9 người. Người đỗ Tiến sĩ đầu tiên là cụ Phan Phu Tiên thời Trần năm 1396. Năm 1429 nhà hậu Lê nhà Vua mở khoa thi Minh kinh tức là thi Tiến sĩ kén chọn hiền tài. Lúc đó cụ Phan Phu Tiên thi lần nữa lại đỗ Tiến sĩ. Như vậy cụ đỗ Tiến sĩ hai lần. Làng này ca ngợi cụ Phan Phu Tiên là người khai khoa của làng nhưng đồng thời lại là Lưỡng triều Tiến sĩ tức là Tiến sĩ của hai Triều là triều Trần và triều hậu Lê. Làng có 21 Tiến sĩ văn, 1 Tiến sĩ võ. Làng Vẽ đứng thứ 3 trong toàn quốc thời phong kiến về đỗ Tiến sĩ sau làng Mộ Trạch ở Hải Dương (36 Tiến sĩ), làng Kim Đôi ở Bắc Ninh (25 Tiến sĩ). Đông Ngạc đã sản sinh ra nhiều danh nhân, đóng góp lớn ở nhiều lĩnh vực cho đất nước. Làng Đông Ngạc được Triều đình phong kiến ban tặng bốn chữ “Mỹ tục khả phong”, một danh hiệu cao quý mà Triều đình ban cho các làng có nhiều đóng góp với Triều đình.
Hữu Trưởng