Một số sự kiện về tư tưởng nổi bật trong thời nhà Lý
Khác với các triều đại trước chỉ tồn tại vài chục năm, thời Lý là thời kỳ thịnh trị của chế độ phong kiến kéo dài hơn 200 năm. Một sự kiện lớn là việc vua Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu từ Đại Cồ Việt sang Đại Việt vào năm 1054, mở ra kỷ nguyên Đại Việt rực rỡ trong lịch sử Việt Nam. Về tư tưởng và tâm linh, Phật giáo chiếm địa vị độc tôn. Vua đã cho xây cất nhiều chùa và là người sáng lập phái Phật giáo Thảo Ðường. Lý luận của Thảo Ðường tập trung thoả mãn sự đòi hỏi của nhà vua muốn phát triển ý thức dân tộc, muốn tự lập tự cường, chống sự xâm lăng của Bắc Tống, hoà hợp với Nho giáo.
Các vua Lý chú trọng xây dựng chùa chiền, đúc chuông, tô tượng, cử sứ sang Trung Quốc xin nhà Tống kinh Phật, biến các chùa thành nơi cầu đảo, làm lễ tạ ơn khi chiến thắng quân xâm lược, lễ đại xá... Sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã chọn người xuất sắc cho xuất gia. Vào các năm 1016, 1019 lại chọn hàng ngàn người xuất gia làm tăng sĩ và đạo sĩ. Nước có các quốc sư làm cố vấn như sư Vạn Hạnh, Khánh Văn, Minh Không, Không Lộ. Sư sãi được ưu đãi trong xã hội, cộng đồng. Nhà nước tuyên truyền lòng từ bi bác ái cứu nạn, cứu khổ của Phật giáo.
Các quý tộc và nhân dân cũng đóng góp xây dựng nhiều chùa ở các địa phương. Chỉ tính những chùa lớn, quốc tự và chùa do các vương hầu lập vào khoảng gần 500 chùa, còn các chùa ở thôn xóm vào khoảng 9000 chùa.
Việc chú trọng xây dựng chùa thời Lý được sử gia Lê Văn Hưu thời Trần ghi nhận là "Xây tường cao ngất, tạc cột chùa bằng đá, làm chùa thờ Phật lộng lẫy hơn cả cung điện của vua". Theo các chuyên gia, các chùa lớn và nổi tiếng là chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Long Đọi (Hà Nam), chùa Diên Hựu. (Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn, 2008). Trong phạm vi tín ngưỡng và kỹ thuật, các vị cao tăng vẫn rất được xem trọng, được vua, hoàng tộc và các quan văn võ xem trọng như bậc thầy(Hoàng Xuân Hãn, 1996)
Từ thời Lý Thần Tông, các vua thường qua đời sớm, vua lên thay còn nhỏ, thái hậu buông rèm chấp chính. Nho giáo là hệ tư tưởng dùng để quản lý xã hội, Phật giáo là quốc giáo, còn Đạo giáo có ảnh hưởng nhất định trong các tầng lớp dân cư.( Kỷ yếu hội thảo khoa học về 1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long)
Tính tích cực của Phật giáo trong thời kỳ này là nhân dân đến với đạo không phải vì chán ngán cuộc đời mà vì muốn sống cuộc đời tốt đẹp hơn. Nhân dân cũng tiếp thu quan điểm tinh hoa của Phật giáo là lòng nhân đạo, tu dưỡng bản thân, không quá tham la, làm hại người khác. Những quan điểm này đã thấm sâu vào các gia đình.
Thời kỳ này, ảnh hưởng của Nho giáo cũng rất cao. Lý Thánh Tông là vị vua đầu tiên khởi xướng đưa Nho giáo vào việc cai trị của các Hoàng đế Đại Việt sau này.
Năm 1072, vua Lý cho lập Văn Miếu, lập tượng Chu Công, Khổng Tử và 72 vị học trò để thờ. Năm Bính Thìn (1076), vua cho lập Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của nước ta, chọn những nhà nho giỏi vào dạy. Bắt đầu từ đây, trường đã đào tạo ra các trí thức Nho học bằng khoa cử và các khoa thi được tổ chức để chọn người hiền tài có nguồn gốc xuất thân từ nhân dân ra giúp nước. Khoa thi đầu tiên được mở vào năm 1075 và Trạng nguyên đầu tiên là Lê Văn Thịnh. (Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, 1991). Các gia đình trong nước cũng bắt đầu có động lực để khuyến khích con em học rồi ra làm quan cho chế độ phong kiến.
Nhà Lý là triều đại phong kiến đầu tiên ở Việt Nam xác lập giáo dục khoa cử có hệ thống. Trường học tư đầu tiên được xác nhận là trường Bái Ân của Lý Công Ân là một tôn thất nhà Lý không ra làm quan mà ở nhà dạy học. Tuy nhiên, trong những năm đầu, hệ thống trường học chưa nhiều (Kỷ yếu hội thảo khoa học về 1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long).
Các trường lớp còn dạy nhiều kiến thức về Phật giáo và Đạo giáo ( Mai Hồng,1989). Chữ viết chính thức trong giáo dục vẫn kế tục các đời trước là chữ Hán. Nho giáo là học thuyết giải quyết được các mối quan hệ cơ bản (Tam cương: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ và Ngũ luân: thêm anh em và bè bạn) để thống nhất trong gia đình và quản lý xã hội. Việc mở khoa thi Nho giáo đầu tiên đánh dấu mốc về việc nhà Lý chính thức tuyển người theo Nho giáo làm quan bên cạnh tầng lớp quan lại thiên về kiến thức Phật giáo trước đó (Kỷ yếu hội thảo khoa học về 1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long). Tuy nhiên, các khoa thi đòi hỏi người ứng thí phải thông hiểu kiến thức cả ba đạo Nho, Phật và Lão mới có thể đỗ đạt.Việc tổ chức thi Tam giáo chính thức được thực hiện năm 1195 dưới triều vua Lý Cao Tông (Mai Hồng ,1989).
Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo đã kết hợp với văn hóa bản địa ảnh hưởng đến lối sống, phong tục, ngôn ngữ thông qua các gia đình.
Lê Ngân